Không yêu cầu, người tố cáo vẫn được bảo vệ

Từ 1/7, khi Luật Tố cáo có hiệu lực, người tố cáo dù không yêu cầu cũng vẫn được bảo vệ. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong bảo vệ người tố cáo.

Từ 1/7 tới đây khi Luật Tố cáo có hiệu lực, người tố cáo dù không yêu cầu cũng vẫn được bảo vệ. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong bảo vệ người tố cáo.

Cùng với Luật tố cáo, từ 1/7, 3 luật khác là Luật Lưu trữ; Luật Đo lường; Luật Khiếu nại và Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực.

Tiếp công dân. Ảnh minh họa

Giữ bí mật thông tin của người tố cáo

Luật Tố cáo gồm 8 Chương và 50 Điều, quy định một số nội dung mới về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm tố cáo. Trong đó đáng chú ý, Luật mới vẫn duy trì hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn. Luật cũng chỉ chấp nhận xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo. Đồng thời Luật mới bổ sung quy định đơn tố cáo phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo, trường hợp tố cáo trực tiếp thì người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản ghi nội dung tố cáo.

Luật Tố cáo cũng quy định trách nhiệm bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc yêu cầu các cơ quan liên quan (như cơ quan quản lý người tố cáo tại nơi công tác, UBND địa phương nơi người tố cáo cư trú hoặc cơ quan công an có thẩm quyền) áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này dù người tố cáo có yêu cầu hay không. Trường hợp nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù hay trù dập thì người giải quyết tố cáo phải chủ động hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo.

Được từ chối tiếp người dân nếu vụ việc đã được xem xét

Đây là điểm mới của Luật khiếu nại. Theo đó, cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp trong trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về vụ việc đã được kiểm tra xem xét và đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và đã được trả lời đầy đủ…

Luật Khiếu nại cũng quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, trong đó trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.

Hợp nhất văn bản: giúp pháp luật minh bạch, dễ tiếp cận

Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) quy định về việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở TƯ ban hành, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong việc hợp nhất văn bản, trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn bản nhằm góp phần bảo đảm cho hệ thống pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL gồm 4 Chương, 20 Điều, quy định rõ nguyên tắc: “Chỉ hợp nhất văn bản do cùng một cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”, “Việc hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của văn bản được hợp nhất” và phải “Tuân thủ trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn bản”.

T.Hằng

Đọc thêm