Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng nay, 7/6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Một trong những nội dung mà các đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp là chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ, quy định các chính sách thí điểm tại khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, đảm bảo tính tuần tự, từng bước thí điểm kèm theo việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng cho phù hợp.
Theo Chính phủ, việc phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với việc sớm thông qua Nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Đại biểu cũng bày tỏ sự ủng hộ cơ chế thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Phân tích, Đại biểu cho biết, đây là cơ chế rất thành công trên thế giới, đặc biệt là những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore có 9 khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21 khu, Philippines, Malaysia, Indonesia… Hơn 30 năm qua, các khu thương mại tự do rất hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của các nước đó.
“Việt Nam có bờ biển dài rất đẹp, đã quy hoạch có 34 cảng biển quốc tế. Đây là những điểm rất thuận lợi nên tôi rất ủng hộ Đà Nẵng đi đầu thực hiện cơ chế thí điểm. Tôi cũng đề xuất có thêm một số cơ chế để TP Đà Nẵng triển khai thành công khu thương mại tự do, từ đó nhân rộng ra”, Đại biểu nói.
Song, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, để khu thương mại tự do có thể phát triển được, điều quan trọng nhất là hạ tầng, phải kết nối được bên trong và bên ngoài khu thương mại. Đồng thời, phải phân cấp trọn gói để TP Đà Nẵng có thể thực hiện được.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) chỉ ra rằng, pháp luật của nhà nước ta chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với khu thương mại tự do. Trong khi đó, đây là mô hình kinh tế đã khá phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng, thí điểm.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại phiên họp. |
Đại biểu đồng tình việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm tại Đà Nẵng nhằm tạo bước đột phá mới cho Đà Nẵng nói riêng, đồng thời để khảo nghiệm việc phát triển mô hình kinh tế mới đối với nước ta nói chung trong thực tiễn.
Tuy nhiên, theo Đại biểu, do thể chế và đặc điểm chính trị, nhu cầu phát triển thương mại của nước ta có sự khác biệt so với các nước khác và đây cũng là mô hình chưa có tiền lợi ở nước ta, nên trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để vừa làm, vừa kịp thời đánh giá kinh nghiệm. Đặc biệt, là định lượng được các tác động của chính sách này nhằm đảm bảo tính khách quan và bao quát từ thực tiễn đến khi triển khai thực hiện.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cũng bày tỏ tán thành với chính sách cho phép đầu tư xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Nhấn mạnh đây là một nội dung mới, chưa có quy định hay chưa có tiền lệ ở Việt Nam,
Đại biểu đề nghị QH và Chính phủ cần đi trước một bước, nghiên cứu để có các chính sách cụ thể, ưu tiên về thương mại, thuế nhằm hoạt động có hiệu quả, đúng với tính chất và mục đích của Khu thương mại tự do.
Còn Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) lưu ý, TP Đà Nẵng không nhiều đất đai, giá trị rất cao nên khi thu hồi đất để phục vụ cho khu trung tâm thương mại tự do thì cần tính tới vấn đề lợi ích sống còn của người dân. Đặc biệt, cần áp dụng theo giá đền bù mới theo Luật Đất đai mới.
“Mặc dù mục đích thu hồi đất ở đây là phát triển kinh tế xã hội nhưng lại có chênh lệch địa tô, nằm trong khu thương mại và giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án, cho nên vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi đất phải tính toán làm sao cho phù hợp với điều kiện của TP Đà Nẵng”, Đại biểu nói.
Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, qua tham khảo dự thảo Nghị quyết, trong 30 chính sách, có 9 chính sách về mô hình chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có 5 chính sách hoàn toàn mới. Đại biểu ủng hộ tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhanh nên cần phân cấp nhiều hơn cho các địa phương.
Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, trong 30 chính sách đặc thù, TP Đà Nẵng nên lựa chọn thứ tự trong quá trình triển khai, nếu triển khai đồng loạt có khả năng dẫn đến sự dở dang vì không đủ lực. “Chúng ta mong muốn thu hút nhiều nguồn vốn nhưng không phải lúc nào cũng có”, Đại biểu nói.