Khủng hoảng Covid-19 thêm trầm trọng, đẩy Mỹ vào những lựa chọn khó khăn

(PLVN) - Mỹ hiện đang là nước có số ca nhiễm bệnh Covid-19 nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới, trong khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh do virus Corona chủng mới gây ra đang ngày càng trầm trọng hơn trên phạm vi toàn cầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những lựa chọn khó khăn

Diễn tiến nhanh chóng của dịch bệnh đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe ngay cả ở những nước phát triển nhất thế giới cũng đang dần tiến tới điểm quá tải. Tại New York, Mỹ - nơi đang có hàng ngàn ca bệnh, Thống đốc Andrew Cuomo cảnh báo bang này có thể sẽ không có đủ giường bệnh. “Các kịch bản thực tế nhất đều cho thấy tình hình sẽ vượt quá năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay”, ông Cuomo nói.

Tại châu Âu, các bác sỹ cũng đã phải đưa ra những lựa chọn đầy khó khăn. “Nếu chúng tôi có 5 bệnh nhân và chỉ có 1 giường bệnh, tôi sẽ phải chọn xem ai được ở trên chiếc giường đó”, bác sỹ Sara Chinchilla đang công tác tại một bệnh viện gần Madrid, Tây Ban Nha cho hay.

Ít nhất 2,8 tỉ người, tức hơn 1/3 dân số toàn cầu đã bị hạn chế đi lại. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học hoàng gia London ngày 27/3 cho rằng, trong năm nay, khoảng 1,86 người có thể tử vong do dịch và số người nhiễm bệnh là khoảng gần 470 triệu người.

Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, việc không nhanh chóng ban bố các lệnh phong tỏa và thực thi nghiêm các quy định về giữ khoảng cách khi ra ngoài có thể khiến những con số nói trên cao hơn nhiều.

Tại Mỹ, theo AFP, các nhà phân tích tại Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) cảnh báo rằng, nhu cầu về giường ở phòng chăm sóc đặc biệt và công suất máy thở của Mỹ sẽ tăng cao, vượt quá nhu cầu của các bệnh nhân Covid-19 sớm nhất là vào tuần thứ 2 của tháng 4.

Vẫn theo nghiên cứu, đỉnh điểm dịch bệnh được cho là sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong tháng 4. Tại thời điểm này, dự báo sẽ có tới 2.300 bệnh nhân có thể tử vong mỗi ngày. Đó là dự báo trong trường hợp người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giữ khoảng cách an toàn. Theo ước tính, khoảng 81.000 người ở Mỹ sẽ tử vong vì dịch bệnh Covid-19 trong 4 tháng tới nếu người dân phớt lờ các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.

Không thể phí phạm cơ hội thứ 2

Đại dịch cũng đã đưa đến những hậu quả lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong 1 tuần qua đã có 3,3 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp – là con số cao nhất từng được ghi nhận.

“Chúng ta chỉ mới thấy con số ban đầu và tình hình sẽ còn tệ hơn”, Thống đốc New York Bill de Blasio cho biết và ước tính rằng thành phố này có thể sẽ có tới 500.000 người mất việc. Theo một số nhà kinh tế, số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ có thể lên đến mức 4 triệu. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ Saint Louis James Bullard cảnh báo có khoảng 46 triệu người – tương đương 1/3 lực lượng lao động Mỹ - có thể mất việc trong ngắn hạn.

Thượng viện Mỹ trước tình hình này đã thông qua gói giải cứu kinh tế 2.200 tỉ USD nhằm giúp doanh nghiệp, bệnh viện và người dân vượt qua cuộc khủng hoảng. Theo đó, nhà nước Mỹ sẽ cấp ngân phiếu cho mỗi người lớn 1.200 USD và mỗi trẻ em 500 USD.

Trong khi đó, tại Anh, Chính phủ Anh cho biết, trong 9 ngày qua đã có 477.000 người nộp đơn xin tiền trợ cấp cho những người thất nghiệp hay có thu nhập thấp. Cơ quan nghiên cứu Resolution Foundation cho hay, con số này đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm 2019. 

Lo ngại rằng suy thoái toàn cầu thậm chi có thể tệ hơn thời kỳ Đại suy thoái vào những năm 1930, các nhà lãnh đạo của nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới G20 ngày 26/3 đã có cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến.

Trong cuộc họp này, các nhà lãnh đạo đã cam kết tạo thành “mặt trận thống nhất” để chống lại đợt bùng phát dịch, đồng thời đưa ra 1 gói giải cứu tài chính 5.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu cùng nhiều biện pháp khác nhằm đối phó với dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo nhóm G20 cũng cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho các nước đang phát triển – nơi dịch bệnh có thể gây ra hậu quả lớn.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - một cơ quan của Liên Hợp quốc – ngày 26/3 cảnh báo số người mất việc trên toàn cầu vì cuộc khủng hoảng do virus Corona chủng mới gây ra có thể vượt quá 25 triệu. 1 tuần trước, căn cứ vào những kịch bản khác nhau về ảnh hưởng của đại dịch đối với tăng trưởng, ILO dự báo rằng số người thất nghiệp trên khắp thế giới do dịch Covid-19 là từ 5,3 triệu tới 24,7 triệu người. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 khiến 22 triệu người trên thế giới thất nghiệp.

Còn người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một phát biểu ngày 26/3 chỉ trích các lãnh đạo thế giới đã phí phạm thời gian quý báu trong cuộc chiến chống dịch bệnh. “Thời gian hành động thật ra là 1-2 tháng trước. Chúng ta đã lãng phí cánh cửa cơ hội đầu tiên… Đây là cơ hội thứ 2, không nên phí phạm mà phải làm mọi cách để khống chế virus”, ông nói.

Đọc thêm