Liên tiếp lập đỉnh 35, 36, 37 triệu đồng/lượng chỉ sau mỗi ngày, đặc biệt, chỉ trong ngày 6/7, giá vàng trong nước đã vọt lên đến 40 triệu đồng/lượng, tăng đến 3 triệu đồng/lượng so với này hôm trước. Thế nhưng “bong bóng” giá vàng đã nhanh chóng “xì hơi” khi giá vàng giảm xuống đến hơn 2 triệu đồng/ lượng trong ngày hôm qua - 7/7, trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng…
Giá vàng “xì hơi”
Mở cửa sáng hôm qua, lúc 8h30 giá vàng được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giao dịch ở 38,1 – 39,1 triệu đồng, giảm 500 nghìn đồng so với giá đóng cửa cuối ngày hôm trước nhưng chỉ gần 30 phút sau, giá chỉ còn mức 37,95 – 38,95 triệu đồng/lượng, giảm 650 nghìn đồng/lượng.
Đến 10h25, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC bán ra xuống mức 38,2 triệu đồng một lượng, giảm đến 1,6 triệu so với chốt phiên chiều qua. Giá mua vào chỉ còn 36,9 triệu đồng một lượng.
Giá vàng giảm mạnh nhất được ghi nhận tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, lúc 10h, giá vàng SJC DN này niêm yết giảm 1,2 triệu đồng cả 2 chiều mua bán so với chiều 6/7, xuống còn 37,6 triệu đồng/lượng (mua) và 38,4 triệu đồng/lượng (bán). Tới 12h, giá tiếp tục gảm xuống còn 36,7 triệu đồng/lượng (mua) và 37,6 triệu đồng/lượng (bán).
Giảm chậm hơn, giá vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn lúc 10h sáng chỉ giảm khoảng 500 ngàn đồng/ lượng. Giá vàng SJC được DN niêm yết ở mức 38,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,47 triệu đồng/lượng (bán ra), so với mức cao nhất trong buổi chiều qua là 38,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,82 triệu đồng/lượng (bán ra). Tới 12h, vàng SJC do DN bán ra cũng giảm mạnh, xuống còn 36,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,92 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ngược với giá vàng trong nước, vàng quốc tế vẫn trong xu hướng đi lên. Lúc 10h (giờ Hà Nội), mỗi ounce vàng giao ngay có giá 1.368,2 USD. Quy đổi tiền Việt, vàng quốc tế có giá khoảng 37 triệu đồng, chưa tính thuế và phí.
Ngân hàng Nhà nước: Chỉ là biến động nhất thời
Phân tích nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh trong những ngày qua, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết chủ yếu là do tác động tâm lý của thị trường sau khi có công bố Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu.
Sau sự kiện này, một số chuyên gia kinh tế dự báo Anh có thể sẽ bước vào một thời kỳ đi xuống và thậm chí có thể gây ra hiệu ứng “domino”, dẫn đến nguy cơ Liên minh Châu Âu sẽ dần tan rã, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một thời kỳ bất ổn mới. Một nguyên nhân khác tác động đến giá vàng tăng đó là việc FED tiếp tục trì hoãn tiến trình tăng lãi suất. Trên thị trường tài chính quốc tế, một số nhà đầu tư có tâm lý phòng ngừa rủi ro, tìm đến vàng như tài sản an toàn, bảo toàn vốn đầu tư.
Về diễn biến giá vàng trong nước, ông Cảnh cho biết, giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với biến động tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, sau sự kiện Brexit cho đến sáng ngày 5/7/2016, giá vàng trong nước tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của giá vàng thế giới nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới (có ngày thấp hơn 800 nghìn đồng/lượng).
Tuy nhiên, từ chiều ngày 5/7/2016 đến 6/7/2016, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới. Diễn biến này tác động đến tâm lý của thị trường, một số người có xu hướng chưa bán vàng ngay ra thị trường gây thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
“Mặc dù vậy, khối lượng vàng giao dịch trên thị trường không tăng đột biến, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây…” - ông Cảnh khẳng định.
Đại diện NHNN cũng khẳng định biến động thị trường trong thời gian qua chỉ là biến động nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng.
“Người dân cần hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán của mình, tránh những rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân như giai đoạn trước đây…”, đại diện NHNN đưa ra khuyến cáo.