Nhiều thách thức
Tính đến tháng 2/2020, Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) đã được Quốc hội thông qua gần 4 năm và có hiệu lực thi hành được 20 tháng. Việc thực hiện Luật quan trọng này sẽ có những tác động tích cực đến cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp như: Tăng hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân cũng như tác động tích cực đến sự tuân thủ luật pháp của cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thực thi Luật TCTT lần thứ 2” được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, bà Ngô Thu Hà, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, việc thực thi Luật TCTT đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng Chính phủ và người dân vẫn cần nhiều nỗ lực và cam kết hơn nữa để mang lại hiệu quả thực sự.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, hiện nay, việc phổ biến và nâng cao nhận thức về Luật TCTT cũng như các văn bản hướng dẫn Luật này chưa được ưu tiên. Công chức, viên chức trong nhiều cơ quan nhà nước còn chưa biết rằng cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân là một trong các trách nhiệm hành chính công của mình.
Trong khi đó, hạ tầng cung cấp thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin chưa bảo đảm. Có khoảng 11% địa chỉ thư điện tử của các cơ quan nhà nước các cấp bị lỗi, bao gồm địa chỉ thư điện tử của đầu mối cung cấp thông tin. Nhiều xã/phường chưa có trang thông tin điện tử hoặc đã có thì công dân khó tiếp cận được do liên kết trong với trang thông tin điện tử của UBND huyện.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đại diện Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nghiên cứu thực địa chưa nắm được những nội dung cần giám sát của Luật TCTT. Nhiều cơ quan nhà nước chưa thực hiện các yêu cầu của Luật TCTT. Sau gần 4 năm Luật TCTT được thông qua, vẫn còn hơn 50% cơ quan nhà nước cấp Trung ương, 80% sở tư pháp các địa phương, trên 90% văn phòng UBND cấp tỉnh chưa lập chuyên mục “Tiếp cận thông tin”, lập và cập nhật danh mục những thông tin phải công khai trên cổng/trang thông tin điện tử.
Chính những điều này đã gây cản trở, khiến công dân cảm thấy chưa tự tin khi tìm kiếm thông tin họ cần. Trong khi đó, công dân thì chưa thực sự nắm được đầy đủ quyền TCTT của mình cũng như lợi ích của việc này, do đó còn e ngại khi đưa ra yêu cầu thông tin đối với các cơ quan nhà nước.
Từ thực tế thực thi Luật TCTT ở địa phương, ông Trần Thanh Hưng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên - cũng cho rằng: Thực tế vẫn còn khá nhiều thách thức trong việc đưa Luật TCTT vào cuộc sống, không chỉ về phía chính quyền mà còn ở bản thân chính người dân vì nó liên quan tới nhận thức, thái độ và cả hiểu biết nhất định của mỗi người.
Nhận diện giải pháp để Luật đi vào cuộc sống
Trên cơ sở phân tích các yếu tố thúc đẩy, kết quả thực hiện và một số tồn tại trong thi hành Luật TCTT ở trên, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan nhà nước cần nhận thức đầy đủ và thực hành vai trò, trách nhiệm quan trọng của mình trong việc cung cấp thông tin minh bạch theo yêu cầu của công dân dựa trên hướng dẫn từ Bộ Tư pháp nhằm cải thiện hiệu quả của việc thực thi TCTT.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo bổ sung việc cung cấp thông tin theo yêu cầu vào bộ các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, chỉ đạo chuyển đổi các văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan nhà nước trên hệ thống e-office thành danh mục những thông tin phải công khai và cung cấp có điều kiện. Đồng thời, ban hành văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước, bên cạnh đăng tải tài liệu được định dạng hình ảnh như Pdf hay Jpeg thì cần đăng tải cả tài liệu định dạng Word và Excel.
Về phía Bộ Tư pháp, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tiếp tục tổ chức tập huấn Luật TCTT cho các cơ quan nhà nước và các đầu mối cung cấp thông tin. Nhấn mạnh 9 nội dung công việc mỗi cơ quan nhà nước cần làm. Tiếp tục hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Luật TCTT theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 13/2018/NĐ-CP. Bên cạnh đó, tổ chức cuộc họp/hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng để thảo luận, quán triệt nội dung quy chế cung cấp thông tin.
Còn đối với UBND các tỉnh/thành phố, nhóm nghiên cứu đề xuất thành lập Tổ công tác do Sở Tư pháp làm thường trực với các thành viên là các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin trên địa bàn. Chỉ đạo, đôn đốc các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin khẩn trương thực hiện 9 nội dung công việc theo yêu cầu của Luật TCTT. Ngoài ra, tiến hành kiểm tra việc thực hiện Điều 40 Luật Người khuyết tật trên cơ sở đối chiếu Bộ tiêu chuẩn QCVN10:2014/BXD và Điều 3 Nghị định 13/2018/NĐ-CP.