Nghĩa là có khoảng 50% - 60% kiến thức cơ bản và thí sinh hoàn toàn có thể đỗ tốt nghiệp; đồng thời đủ điều kiện để xét tuyển vào các ngành nghề của các trường đại học, cao đẳng. Cùng với đó, đề thi sẽ có các câu hỏi thuộc phần kiến thức nâng cao dành cho những thí sinh giỏi, xuất sắc.
Lý giải rõ hơn, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, khác với năm 2017, đề thi năm nay được mở rộng ra khi có nội dung đề thi trong chương trình lớp 11. Đề thi năm nay sẽ có những câu hỏi mang tính định hướng thí nghiệm, thực hành của học sinh. Theo như hướng dẫn ngay từ đầu, nội dung sẽ nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 nhưng chủ yếu vẫn là lớp 12. Nếu căn cứ theo đề thi tham khảo thì khoảng 20% kiến thức lớp 11, còn lại 80% là của lớp 12, ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Hồng cho rằng, mục đích công bố đề thi tham khảo là giúp cho học sinh có định hướng nội dung ôn tập. Hiện nay, Cục đang thử nghiệm chuẩn hóa, định cỡ các câu hỏi thi, chọn mẫu để làm nguồn cho hội đồng cách ly để có được câu hỏi sát hơn, độ khó- dễ cũng được tính toán phù hợp, vừa để các em cơ bản làm được bài, vừa có phần phân hóa. Cấu tạo của đề thi vẫn như năm ngoái, vẫn đảm bảo 4 nhóm cấp độ, từ dễ nhất, trung bình, khó và tương đối khó. Học sinh cứ làm tuần tự từ đầu đến cuối đề thi, càng đến cuối độ phân hóa càng cao hơn, câu hỏi càng khó hơn.
Trước phản ánh về đề tham khảo có câu hỏi nặng về tính toán, ông Hồng cho rằng, đã chỉ đạo làm đề thi ở bài thi Khoa học tự nhiên, những câu hỏi về Lý, Hóa, Sinh sẽ khó về bản chất, hiện tượng vật lý, hóa học chứ ko phải là khó về tính toán. Đặc biệt, năm nay câu hỏi bắt đầu xuất hiện các câu hỏi hỏi về mang tính định hướng thí nghiệm, thực hành. Phần kiểm tra đánh giá sẽ quay trở lại tác động phần dạy học. Nếu trường bỏ qua thí nghiệm thì việc làm bài thi sẽ khó hơn. Tất nhiên sẽ không đưa nhiều câu quá sợ gây sốc nhưng sẽ bắt đầu xuất hiện các câu thí nghiệm thực hành để tiến tới bám dần vào chương trình mới, ông Hồng nhấn mạnh.
Còn đối với thông tin liên quan đến xét tốt nghiệp, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, thí sinh được phép điều chỉnh cho đến ngày 25/5. Nếu có sai sót thì một lần nữa các em sẽ được điều chỉnh trước ngày thi (ngày làm thủ tục thi), trừ điều chỉnh môn thi, điểm thi và nguyện vọng xét tuyển. Sau ngày 11/7, thí sinh sẽ biết điểm thi và sau ngày 18/7, thí sinh biết được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm. Sau khi biết điểm thi, thí sinh được phép điều chỉnh một lần nguyện vọng xét tuyển của mình và điều chỉnh bằng 2 phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu nộp tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi.