Kịch bản rất Việt Nam

(PLVN) - Tại Hội nghị trực tuyến chống dịch Covid-19 sáng qua, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, người thứ 16 trong số 16 người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã hoàn toàn khỏi bệnh. Từ ngày 13/2 đến nay nước ta cũng không ghi nhận thêm ca bệnh nào dương tính với loại virus nguy hiểm nói trên.
Việt Nam chủ động ngăn ngừa dịch Covid-19 từ sớm.

Diễn biến dịch bệnh do virus Covid-19 tại Trung Quốc và một số quốc gia khác là rất căng thẳng. Tính đến 19h ngày 25/2, trên thế giới có 80.339 người mắc, 2.706 người tử vong, 27.476  ca phục hồi. Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác được coi là “điểm nóng” mới của dịch bệnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Iran... Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cần luôn cảnh giác trước Covid-19.

Như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta rất chủ động, thực hiện các công việc phòng, chống dịch Covid-19 từ rất sớm, ngay từ giữa tháng 12/2019. Xin nhắc lại, tại thời điểm giao thừa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam bắt đầu thực khai báo y tế bắt buộc, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng biện pháp này, cao hơn mức cảnh báo của WHO. Ngày 6/1, Việt Nam đã xây dựng xong các kịch bản, sau này hoàn thiện thêm với tinh thần luôn lường đến những tình huống xấu nhất để tình huống xấu nhất không bao giờ xảy ra.

Phải nói rằng, chúng ta đã có một kịch bản rất Việt Nam, với “Tinh thần Việt Nam”. Từ khi phát hiện ca đầu tiên, Việt Nam luôn áp dụng 5 phương châm: Ngăn chặn triệt để; Phát hiện sớm nhất; Cách ly ngay lập tức; Khoanh vùng thật gọn; Dập tắt triệt để.

Đến nay, có thể nói Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Mặc dù là quốc gia biên giới có đất liền với Trung Quốc, giao thương lớn, số người qua lại làm ăn với Trung Quốc đông, Việt Nam được đánh giá là nước có nguy cơ cao nhất lây nhiễm Covid-19 nhưng mới ghi nhận 16 ca dương tính và ca thứ 16 đã 2 lần xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện xuất viện.

Đó còn là kết quả của “tinh thần Việt Nam”, cuộc chiến được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, kể cả hợp tác quốc tế. Đây là lần đầu tiên Quân đội tham gia chống dịch, có thể coi là đợt diễn tập cho tình huống dịch bệnh nói riêng và các tình huống an ninh phi truyền thống nói chung. “Chống dịch như chống giặc” còn có sự ra quân của “binh chủng truyền thông”, “cuộc chiến” diễn ra ngay cả trên mạng xã hội.

Việt Nam đã chủ động ngay từ đầu, làm việc với các nhà mạng, công ty công nghệ để đưa thông tin ngay, thông tin minh bạch nhất có thể, không chỉ báo chí mà cả mạng xã hội, kể cả xử lý kiên quyết các trường hợp đưa tin sai sự thật, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Ý thức của người dân được nâng cao hơn bao giờ hết, việc minh bạch thông tin sẽ giúp người dân có kiến thức để phòng tránh các nguy cơ.

Cũng ngày hôm qua, WHO cảnh báo Covid-19 nguy cơ thành đại dịch. Dịch sẽ còn thay đổi rất nhiều nhưng chúng ta có niềm tin sẽ kiểm soát và đẩy lùi Covid-19 trong toàn bộ “chiến dịch” chứ không chỉ ở “trận mở màn”.

Đọc thêm