Kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Kỳ 4: Tiến hành kiên quyết, kiên trì, bài bản

(PLVN) -Tính chất gay gắt, phức tạp của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ bởi chúng ta phải chống lại sự tha hóa về quyền lực, đạo đức, lối sống…, mà còn phải đối diện với những “thế lực hắc ám” có chức quyền, đầy mưu mô. Bởi vậy, đây là cuộc chiến vô cùng cam go, khốc liệt, cần phải được tiến hành kiên quyết, kiên trì, bài bản, mạnh mẽ.
Phải làm sao cho các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng hiện nay hoạt động hiệu quả hơn nữa dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng,tiêu cực. (Ảnh: Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực/Nguồn ảnh: Dangcongsan.vn)
Phải làm sao cho các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng hiện nay hoạt động hiệu quả hơn nữa dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng,tiêu cực. (Ảnh: Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực/Nguồn ảnh: Dangcongsan.vn)

Đó là chia sẻ của TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ - với Báo PLVN xung quanh giải pháp để kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC).

“Bàn tay sắt” phải sạch

Thông tin tại Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan có chức năng PCTN,TC, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự. Đây là những thách thức rất lớn đang đặt ra đối với công tác PCTN,TC của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

- Chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến vô cùng cam go, khốc liệt cần phải được tiến hành kiên quyết, kiên trì, bài bản, mạnh mẽ. Tính chất gay gắt, phức tạp của nó không chỉ bởi chúng ta phải chống lại sự tha hóa về quyền lực, về đạo đức lối sống, phải đối diện với lòng tham của con người, mà còn phải đối diện với những “thế lực hắc ám”, có chức quyền, đầy mưu mô. Vì vậy, cùng với quá trình hoàn thiện thể chế quản lý để “không thể tham nhũng”, cần phải tạo lập ra những lực lượng đủ mạnh, với đủ thẩm quyền, bản lĩnh vững vàng và sự tinh thông nghề nghiệp.

Những kết quả ấn tượng về việc phát hiện, xử lý tham nhũng gần đây cho thấy hiệu quả to lớn của lực lượng “đặc biệt” này mang lại. Tuy nhiên, việc xuất hiện không ít những hành vi tham nhũng, tiêu cực của chính lực lượng này trong quá trình thực thi nhiệm vụ PCTN cũng đã dần trở thành mối quan tâm, lo lắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những số liệu về cán bộ, đảng viên trong các cơ quan có chức năng PCTN,TC có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực bị xử lý, kể cả bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay thực sự là những con số đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN,TC cũng như sự tin tưởng của người dân vào các cơ quan Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến cam go này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh: “PCTN,TC ngay trong cơ quan có chức năng PCTN,TC”, bởi có quyền trong tay mà không có ai giám sát thì tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm, thậm chí bè cánh với nhau thành lợi ích nhóm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Quyền lực luôn có xu hướng bị lạm dụng, tha hóa, đó là vấn đề mang tính quy luật. Và để chống lại sự tha hóa đó thì tất yếu phải tạo ra các cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực đó. Tham nhũng là một loại tội phạm đặc biệt cần phải có lực lượng đặc biệt với những quyền hạn đặc biệt để đấu tranh với nó. Tuy nhiên, khi đã được giao quyền hạn lớn để đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực thì cũng đồng thời đặt ra yêu cầu phải có một sự kiểm soát mạnh mẽ đối với chính lực lượng này.

Người ta thường nói, chống tham nhũng cần có “bàn tay sắt”, nhưng trước hết bàn tay đó phải sạch, nếu không sẽ hết sức nguy hiểm. Thực tế các vụ việc, vụ án gần đây đã cho thấy mức độ nguy hiểm, tính chất phức tạp của các hành vi tham nhũng, tiêu cực khi nó được tiếp tay, dung túng bởi chính các cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan có chức năng PCTN. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tăng cường kiểm soát quyền lực của những người được giao nhiệm vụ PCTN,TC, không để bị lợi dụng thực hiện những hành vi phi pháp. Việc kiểm soát cần được thực hiện từ nhiều phía, từ các cơ quan giám sát, kiểm tra của Đảng và Nhà nước, của xã hội, của báo chí, đặc biệt là sự giám sát, phát hiện của nhân dân.

Công khai, minh bạch, thực chất

Có câu vè được nhiều người truyền tai: “Thanh “cha” (đồng âm với Thanh tra), thanh mẹ, thanh gì?/Cứ có phong bì là nó thanh - kiu (thank you - cảm ơn)”. Điều này cho thấy, có sự tha hóa của một bộ phận đội ngũ cán bộ có chức quyền và cả tâm lý “muốn được việc phải có quà lót tay” của các đối tượng bị thanh tra. Thưa ông, vấn đề đặt ra phải thực hiện công khai, minh bạch một cách thực chất để quyền lực không bị tác động bởi bất cứ yếu tố tiêu cực nào?

- Đây là thực trạng đáng buồn mà chúng ta đang phải đối diện và từng bước đấu tranh, ngăn chặn. Cũng phải nói ngay rằng, tình trạng “cứ có phong bì…” không chỉ nói đến thanh tra mà nói đến cả nền công vụ của chúng ta, từ những người giải quyết công việc của dân, doanh nghiệp, đến các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán… nói chung trong hệ thống chính trị.

Để từng bước ngăn chặn và xóa bỏ tệ nạn này cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó công khai, minh bạch là một trong những giải pháp hàng đầu. Công khai, minh bạch hoạt động công quyền để mọi hành vi công quyền được giám sát, tạo điều kiện cho người dân, báo chí thực hiện quyền tố cáo, kiến nghị, phản ánh, chỉ ra những nơi, những công việc, những con người có biểu hiện tha hóa, tiêu cực, tham nhũng. Công khai, minh bạch góp phần đề cao trách nhiệm của cán bộ đảng viên, trước hết là những người đứng đầu. Công khai, minh bạch là để tạo ra một sự phê phán mạnh mẽ từ phía công luận, làm chùn bước những kẻ có ý định tham nhũng…

Thưa ông, nhiều ý kiến đề nghị phải thành lập một cơ quan giám sát đặc biệt để kiểm soát quyền lực của những cơ quan có chức năng PCTN,TC; đồng thời, nâng cao vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội và “tai mắt” của nhân dân. Ý kiến của ông thế nào?

- Việc thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực đã được nhiều lần bàn đến, nhưng tôi cho rằng đó không hẳn là một giải pháp nhất thiết phải thực hiện. Trên thực tế chúng ta đã có các cơ quan được trao đủ quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Thêm nữa, chúng ta có Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN,TC để chỉ đạo phối hợp công tác giữa các cơ quan có chức năng PCTN,TC.

Thực tế cho thấy, từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN được đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sau đó mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn Ban Chỉ đạo ra các việc phòng, chống tiêu cực thì công tác PCTN,TC của chúng ta có sự thay đổi về chất; hiệu quả, hiệu lực được tăng cường. Vấn đề chủ yếu là phải làm sao cho các cơ quan có chức năng PCTN hiện nay hoạt động hiệu quả hơn nữa dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN,TC. Đồng thời, tăng cường giám sát hoạt động của chính các cơ quan này, kiểm soát quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ, để họ thực sự trở thành những “thanh bảo kiếm”, bảo vệ thanh danh của Đảng, uy tín của Nhà nước và lợi ích của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo tôi, trước hết phải tăng cường sự giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, HĐND các cấp) với những hình thức khác nhau, thông qua việc xây dựng thể chế chính sách cũng như hoạt động giám sát trực tiếp khi cần thiết... Bên cạnh đó, cũng cần hết sức chú trọng phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, của người dân trong việc giám sát hoạt động PCTN,TC nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm để lực lượng PCTN,TC thực sự mạnh mẽ, liêm chính.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị

“PCTN trong các cơ quan thực hiện chức năng PCTN đã, đang và sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Đây là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi phải tập trung sự chỉ đạo, điều hành cũng như nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị; gắn liền với việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả phòng, chống không chỉ trong nội bộ chính các cơ quan này mà cần có cơ chế giám sát chéo, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giám sát từ xã hội nhằm ngăn ngừa các nguy cơ tham nhũng có thể phát sinh trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng tại chính các cơ quan thực hiện chức năng PCTN” - Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020.

Ông Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ.

Ông Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ.

“Công khai, minh bạch là một trong những giải pháp hàng đầu. Công khai, minh bạch hoạt động công quyền để mọi hành vi công quyền được giám sát; góp phần đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là những người đứng đầu. Công khai, minh bạch là để tạo ra một sự phê phán mạnh mẽ từ phía công luận, làm chùn bước những kẻ có ý định tham nhũng…”.

Đọc thêm