Khắc phục những “điểm nghẽn” về xây dựng Đảng
Công tác kiểm tra trên đây nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và công tác giám định, định giá của các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng. Qua đó, phát hiện, kiến nghị xử lý những vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực mà không được xử lý, giải quyết theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các thành viên Đoàn kiểm tra và Tỉnh ủy Khánh Hòa cần chủ động, tích cực, đồng bộ và quyết liệt những yêu cầu đặt ra trong đợt kiểm tra nhưng vẫn giữ nguyên tắc cao nhất là công tâm, không chủ quan, thận trọng, chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh. Qua công tác kiểm tra phải thể hiện được tinh thần chiến đấu cao, không bao che, không bỏ qua thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức, cá nhân nếu có; thể hiện tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, vì nhiệm vụ chung của công tác xây dựng Đảng.
Đặc biệt, việc kiểm tra không được gây cản trở các hoạt động chung của tỉnh Khánh Hòa, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Qua kiểm tra cần rà soát lại các văn bản chỉ đạo, quá trình tổ chức, thực hiện xem có “điểm nghẽn” nào cần khắc phục. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực; khắc phục những “điểm nghẽn” về xây dựng Đảng, nhất là việc phòng chống tham nhũng.
Nâng cao năng lực công tác kiểm tra, giám sát
Cùng ngày, Đoàn kiểm tra số 7 - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã triển khai kế hoạch, chương trình kiểm tra năm 2022 tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên. Các nội dung kiểm tra như: công tác phát hiện, chuyển giao, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng, tiêu cực; công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng về kinh tế, tiêu cực…
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hòa An cho biết, trong 10 năm qua (2011-2021), số vụ việc về tham nhũng kinh tế, tiêu cực được phát hiện khởi tố tại tỉnh là 85 vụ với 232 bị can về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham ô tài sản, xâm phạm trật tự tài chính, đất đai... Công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm tham nhũng được chỉ đạo theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, chặt chẽ, đúng quy định.
Tuy nhiên, tại tỉnh Phú Yên vẫn còn một số vụ việc, vụ án có tính chất phức tạp, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị địa phương, đặc biệt là các vụ án liên quan đến đất đai, xây dựng, tài chính.
Khẳng định công tác kiểm tra, giám sát là để làm rõ hơn quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác PCTNTC, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, đây là việc làm thường xuyên, cấp bách mang tính lâu dài, liên tục, không ngừng, không nghỉ và cũng không có vùng cấm. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ làm rõ được tư tưởng cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan kiểm tra cũng như vai trò giám sát của nhân dân trong PCTNTC.
Trưởng đoàn kiểm tra số 7 đề nghị Đoàn kiểm tra cần quán triệt sâu hơn kế hoạch, quyết định, quy định; chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, bảo mật thông tin, khách quan chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh, góp phần nâng cao năng lực công tác kiểm tra, giám sát. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cần chấp hành nghiêm quy định của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về việc kiểm tra, giám sát; tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, làm rõ, sâu sắc những vấn đề tại tỉnh, nhất là mạnh dạn có những ý kiến, kiến nghị về những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ, hệ thống pháp luật; cung cấp đầy đủ tài liệu, hồ sơ liên quan đến công tác kiểm tra.