Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới

(PLVN) - Trong Cương lĩnh và đường lối cách mạng của Ðảng ta từ khi ra đời đến nay, Ðảng luôn khẳng định một cách nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) và kiên định, kiên quyết lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu đó.
Ðảng luôn khẳng định một cách nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
Ðảng luôn khẳng định một cách nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã nêu rõ: "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa"(1).

Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" đã phân tích sâu sắc, tâm huyết một vấn đề rất lớn và quan trọng trong đường lối cách mạng của nước ta.

Trong bài viết, đồng chí đã làm rõ tính tất yếu con đường đi lên CNXH, khẳng định những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà nước ta đạt được trên con đường đó, đề ra một số phương hướng để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng CNXH trong tình hình mới.

Sự lựa chọn con đường kết hợp độc lập dân tộc với CNXH ở nước ta vừa phù hợp với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với mục tiêu lớn của thời đại, vừa phù hợp với ý nguyện của nhân dân ta; gắn với đặc điểm tình hình của mỗi giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên của mình (năm 1930), Ðảng ta đã khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH và trong suốt hơn 90 năm qua Ðảng ta luôn kiên trì với mục tiêu đó: Kết hợp độc lập dân tộc với CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam.

Ðường lối đó không chỉ phù hợp trong giai đoạn Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trước đây khi nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, mà còn là đường lối chỉ đạo trong giai đoạn Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) khi mà nhiệm vụ phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đóng vai trò trọng tâm.

Ðộc lập dân tộc là tiền đề, điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH, còn CNXH là bước phát triển tất yếu, là điều kiện để củng cố và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: "cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng XHCN thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn"(2), "có tiến lên CNXH thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm" (3).

Từ thực tiễn cách mạng thế giới và từ kinh nghiệm cách mạng Việt Nam, Ðảng ta nhận thức sâu sắc rằng: Chỉ có con đường độc lập dân tộc và CNXH, Tổ quốc ta mới được độc lập tự do thực sự, nhân dân ta mới trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh của mình, quyết định con đường phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh thế giới những năm 80, 90 thế kỷ 20, khi Liên Xô và các nước XHCN ở Ðông Âu tan rã, CNXH thế giới lâm vào thoái trào, Ðảng ta vẫn kiên định con đường đã chọn - con đường độc lập dân tộc và CNXH. Ðó là con đường hợp quy luật phát triển của lịch sử Việt Nam, của cách mạng Việt Nam để có một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Ðối với Ðảng ta, đổi mới không phải là đổi màu; đổi mới có nguyên tắc mà nguyên tắc hàng đầu là bảo đảm độc lập dân tộc và CNXH cho đất nước. Nếu Ðảng ta không kiên định con đường đi lên CNXH thì không thể có công cuộc đổi mới vừa giữ vững những thành quả của cách mạng và mục tiêu cách mạng, vừa kiên quyết, dũng cảm từ bỏ những phương pháp, quan niệm sai lầm, sáng tạo phương pháp mới, quan niệm mới để xây dựng CNXH phù hợp hơn, hiệu quả hơn.

Việc kiên định con đường XHCN trong bối cảnh của tình hình thế giới hiện nay với những diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, khó đoán định, với nhiều bất ổn, thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn đan xen đòi hỏi Ðảng ta không chỉ cần có bản lĩnh chính trị vững vàng mà phải có trình độ trí tuệ cao, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, biết nhìn xa trông rộng.

Sự nghiệp xây dựng CNXH là một sự nghiệp lâu dài, khó khăn, gian khổ bởi điểm xuất phát của nước ta rất thấp, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, luôn bị các thế lực thù địch chống phá, thực hiện âm mưu và hoạt động diễn biến hòa bình. Ðặc biệt, sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN là một sự nghiệp mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử, lại đang diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Ðây là quá trình vừa làm vừa học, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, khái quát thành lý luận trên cơ sở lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn của chân lý, từng bước khắc phục các quan niệm giáo điều, đơn giản, ấu trĩ về CNXH.

Qua 35 năm đổi mới, nhờ vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới, tạo ra thế và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Tại Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Tại Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng nhận định: "lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa… Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" (4).

Những thành tựu trên đây tạo tiền đề quan trọng, tạo nguồn lực, động lực vật chất và tinh thần to lớn để toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, vì độc lập dân tộc và CNXH.

Những thành tựu ấy do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là Ðảng luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới. Chính vì vậy, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khái quát 5 bài học lớn, trong đó bài học lớn đầu tiên là "nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau".

Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử cả về lý luận và thực tiễn của 35 năm đổi mới, đặc biệt là nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Ðại hội XII là minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn của con đường độc lập dân tộc và CNXH của nước ta.

Ðồng thời đó cũng là sự bác bỏ đanh thép những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Ðảng, phủ nhận con đường XHCN, tách rời, đối lập độc lập dân tộc và CNXH, phủ nhận định hướng XHCN, phủ nhận những thành tựu mà nhân dân ta đạt được trong đổi mới.

Cần kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đó để bảo vệ Ðảng, Nhà nước và chế độ XHCN, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ và phát triển đường lối đổi mới, thành quả của sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN.

Trong bài viết của mình, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng tư duy lý luận sắc sảo, đã luận chứng một cách có sức thuyết phục để trả lời câu hỏi lớn mà đồng chí đặt ra là CNXH là gì và đi lên CNXH bằng cách nào?

Có thể nói, những thành tựu của cách mạng Việt Nam, nhất là những thành tựu của 35 năm đổi mới là cơ sở vững chắc để khẳng định tính tất yếu của con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Kết hợp độc lập dân tộc với CNXH là con đường phát triển khách quan của dân tộc, là chân lý lớn của thời đại Hồ Chí Minh, là động lực xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.

Lựa chọn con đường XHCN là sự lựa chọn của Ðảng ta, của Bác Hồ và cũng chính là sự lựa chọn của nhân dân, của lịch sử. Sự ra đời của Ðảng ta năm 1930, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975, thắng lợi của công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay là những mốc son chói lọi trên con đường đó.

Trong thời kỳ đổi mới, thông qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta từng bước được hình thành, bổ sung, phát triển, hoàn thiện. Lý luận đó trước hết được thể hiện tập trung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, được bổ sung, phát triển năm 2011.

Cương lĩnh đã khái quát những đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN Việt Nam mà nhân dân ta xây dựng, chỉ ra những phương hướng cơ bản để xây dựng CNXH và những vấn đề lớn (những mối quan hệ biện chứng) cần phải nắm vững và giải quyết tốt. Văn kiện các kỳ Ðại hội Ðảng toàn quốc trong thời kỳ đổi mới đều bổ sung những nhận thức mới làm cho lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn.

Vì vậy, Văn kiện Ðại hội XIII nhận định: "Tư duy lý luận của Ðảng có bước phát triển. Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển"(5) . Chúng ta tin tưởng rằng, Ðại hội XIII của Ðảng với những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng tạo được thể hiện trong 12 định hướng, các mục tiêu phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược sẽ đưa đất nước phát triển lên một giai đoạn mới trên con đường độc lập dân tộc và CNXH để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN có thu nhập cao.

Cùng với quá trình phát triển của thực tiễn và nhận thức, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tăng cường tổng kết thực tiễn, Ðảng ta sẽ có nhiều bổ sung, phát triển hơn nữa lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng là phải: "Nâng tầm tư duy lý luận của Ðảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển lý luận của Ðảng. Tiếp tục bổ sung, phát triển hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" (6).

-----------------------------------------

(1) Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB CTQGST, HN, 2021, tr.109.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 15, tr. 392

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11, tr. 401

(4) Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng, tập I, tr.103-104

(5) Văn kiện Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, tập I, NXB CTQGST, HN, tr. 74

(6) Văn kiện Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, tập II, NXB CTQGST, HN, tr. 234, 235

Đọc thêm