Kiên Giang: Phấn đấu đạt top 10 các tỉnh thành trong cả nước về chuyển đổi số

(PLVN) - Đặt mục tiêu top 10 tỉnh, thành có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất cả nước, thời gian qua Kiên Giang đã tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp, bước đầu đạt kết quả thiết thực mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện chiến lược chuyển đổi số, Kiên Giang quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng nền tảng số đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, sự chuyển đổi của chính quyền. Tỉnh tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai chuyển đổi số ở 8 ngành, lĩnh vực có nhu cầu cao, lợi thế cạnh tranh tại địa phương nhằm phát triển kinh tế, xã hội gồm giáo dục và đào tạo; y tế; nông nghiệp; tài nguyên và môi trường; giao thông; lao động - thương binh và xã hội; văn hóa, du lịch.

Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào các lĩnh vực kinh – xã hội

Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào các lĩnh vực kinh – xã hội

Đến nay, Kiên Giang có hạ tầng viễn thông bao phủ, thông suốt đến các xã, phường, thị trấn. Hệ thống thông tin dùng chung triển khai thống nhất, đồng bộ, liên thông từ cấp tỉnh đến cơ sở như hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan, chính quyền các cấp được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chuyển biến tích cực.

Mạng lưới 4G tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công khai hạ tầng mạng di động 5G; phấn đấu đến năm 2025 phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh để phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Đặc biệt, tỉnh khuyến khích, thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh; triển khai thí điểm ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để chuyển đổi số đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch số trong xã hội, kinh tế của tỉnh. Kế hoạch đề ra mục tiêu đến hết năm 2022 tỉnh đạt 50% trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác. Tỉnh hiện có 54 tổ chức tín dụng hoạt động với mạng lưới 206 cơ sở giao dịch cung ứng dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, phân bổ ở 15 huyện, thành phố và 1.683 điểm giới thiệu dịch vụ của 10 công ty tài chính.

Các ngân hàng thương mại lắp đặt 333 máy ATM, trên 3.000 máy POS, 1,2 triệu thẻ đang lưu hành, 1,3 triệu tài khoản hoạt động phục vụ hoạt động thanh toán; triển khai đa dạng hình thức thanh toán trực tuyến hiện đại, công nghệ số như internet banking, mobile banking, ví điện tử… để phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Dịch vụ công trực tuyến bước đầu mang lại nhiều thuận lợi cho người dân

Dịch vụ công trực tuyến bước đầu mang lại nhiều thuận lợi cho người dân

Để đạt được kết quả này là sự nỗ lực của cả bộ máy chính trị trong đó xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, từ đó Tỉnh ủy Kiên Giang chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết, cấp thiết của chuyển đổi số.

Theo ông Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang cho biết, việc từng bước hoàn thiện chính quyền số tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; phát triển chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số theo hướng chính quyền tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả góp phần hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp dịch vụ số dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu Kiên Giang nằm trong tốp dẫn đầu về các chỉ tiêu chuyển đổi số.

Ngay từ năm 2021 Kiên Giang đã có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ, thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ nhập dữ liệu một lần. Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay. Tỉ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%, dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%. Người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%. Phấn đấu dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa đạt trên 30%, người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng các chính sách sử dụng dữ liệu số, thay thế thành phần hồ sơ, giấy tờ phải nộp trong cung cấp dịch vụ công, trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút nguồn lực đầu vào lĩnh vực công nghệ thông tin, nguồn nhân lực có trình độ cao.

Đọc thêm