Kiên Giang xét xử vụ án đầu tiên liên quan đến chống khai thác IUU

(PLVN) -  Ngày 29/1, tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), Tòa án Nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm đối với 4 bị cáo về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Đây là vụ án được xét xử đầu tiên tại tỉnh Kiên Giang của cả nước sau hơn 5 năm thực hiện chống khai thác IUU.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Vụ án liên quan đến việc đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vụ án được dư luận cả nước quan tâm, bởi Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Kiên Giang đang quyết tâm, nỗ lực thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) để gỡ “Thẻ vàng” của EC cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam.

4 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Trần Văn Luyến (SN 1981, phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá), Phạm Chí Dũng (SN 1965, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất), Trần Minh Tâm (SN 1984, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành), Trần Văn Nhựt (SN 1987, xã Phi Thông, thành phố Rạch Giá) đều thuộc tỉnh Kiên Giang.

Bị cáo Trần Minh Tâm.

Theo cáo trạng, ngày 16/5/2022, Trần Văn Luyến làm chủ cặp tàu số hiệu KG-94294-TS và KG-94295-TS bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ về khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước này. Luyến nói với Tâm cặp tàu bị Malaysia nếu chuộc về bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện tịch thu. Tâm điện thoại cho Nguyễn Bảo Duy (cán bộ đăng kiểm) đến gặp Luyến và Tâm để bàn bạc làm 2 bộ hồ sơ tàu mới. Duy đồng ý làm bộ hồ sơ mới số hiệu KG-93949-TS và KG-93971-TS để thay thế bộ hồ sơ cặp tàu bị bắt nói trên với giá 400 triệu đồng.

Bị cáo Trần Văn Nhựt.

Cuối tháng 8/2022, Luyến, Tâm và Lê Phước Hậu đi qua Malaysia để chuộc cặp tàu đang bị cơ quan chức trách Malaysia bắt giữ. Luyến chỉ đạo cho Hậu chạy tàu về Cà Mau và yêu cầu Hậu xóa số hiệu KG-94294-TS và KG-94295-TS vẽ lại số hiệu tàu mới là KG-93949-TS và KG-93971-TS.

Đến đầu tháng 9/2022, Hậu chạy cặp tàu này về đến Cảng Sing - Việt, Sông Đốc (Cà Mau). Dũng gặp Duy lấy hồ sơ cặp tàu và 2 thiết bị giám sát hành trình tàu cá đem xuống Sông Đốc gắn lên cặp tàu. Sau đó, Dũng nói với Trần Văn Nhựt, Trần Văn Tài và Nguyễn Văn Tới đi qua Malaysia khai thác hải sản trái phép với tiền ứng trước 20 triệu - 25 triệu đồng/người, tỷ lệ chia 6/4, khai thác 100 ngày vô bờ 1 lần và Nhựt rủ 5 người, Tài rủ 1 người, Hậu rủ 7 người và Dũng rủ 11 người.

Sau khi trình Trạm Biên phòng Sông Đốc 2 bộ hồ sơ để ra khơi, Dũng điều khiển tàu KG-93949-TS và Hậu điều khiển tàu KG-93971-TS đến khu vực 7º giáp 6º vĩ Bắc thì Dũng tắt thiết bị giám sát hành trình của 2 tàu để tránh bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện tàu đi qua vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Dũng và Hậu tiếp tục điều khiển tàu chạy qua vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép.

Bị cáo Phạm Chí Dũng.

Trong quá trình khai thác, Tâm điện thoại cho Dũng gửi 10 ngư dân của Hạnh (không rõ nhân thân đang sinh sống ở Malaysia) về Việt Nam và Dũng đồng ý đưa lên tàu KG-93971-TS. Không lâu sau, Tâm điện thoại thông báo cho Dũng biết lực lượng Hải quân Malaysia đang tuần tra tại khu vực 3º - 4º vĩ Bắc và Tâm yêu cầu Dũng chạy về 1º vĩ Bắc của vùng biển Malaysia trốn. Tâm tiếp tục thông báo cho Dũng biết lực lượng Hải quân Malaysia đang tuần tra khu vực 6º - 7º vĩ Bắc thuộc vùng biển chồng lấn Việt Nam - Malaysia và Tâm kêu Dũng chạy tàu về vùng 3º - 4º vĩ Bắc thì thả cào khai thác.

Do không biết ranh giới vùng biển giữa Malaysia và Indonesia nên Dũng chạy vào vùng biển Indonesia khai thác hải sản thì bị lực lượng Hải quân Indonesia phát hiện bắt giữ.

Sau khi vụ án xảy ra, tháng 10 và 12/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can Luyến, Dũng, Tâm. Đến ngày 5/1/2024, Trần Văn Nhựt bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Kiên Giang, đối với hành vi của Nguyễn Bảo Duy là cán bộ đăng kiểm, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ sẽ xử lý sau.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và các chứng cứ tại phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Trần Văn Luyến 8 năm tù, Phạm Chí Dũng 7năm tù, Trần Minh Tâm 7 năm tù và Trần Văn Nhựt 1 năm tù, cả 4 bị cáo cùng tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Đọc thêm