Rà soát kỹ đối tượng khi giảm thuế
Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến đại biểu (ĐB) cơ bản nhất trí với Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH); đánh giá cao việc QH kịp thời ban hành, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tổng cầu đầu tư của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Một vấn đề được nhiều ĐB cho ý kiến là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo ĐB Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa), qua thực tế giám sát cho thấy chính sách này được doanh nghiệp (DN) đánh giá rất cao, vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích sản xuất, phát triển. Vì vậy, ĐB đề nghị QH cân nhắc cho phép tiếp tục kéo dài thực hiện chính sách này trong thời gian tới cho phù hợp với bối cảnh tình hình sản xuất của DN, người dân nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng tự phục hồi và phát triển chưa thực sự bền vững.
Đồng quan điểm, ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng khẳng định, việc giảm 2% VAT theo Nghị quyết 43 của QH đã có tác động tích cực, trực tiếp đến đời sống xã hội, qua đó giảm giá thành sản phẩm, phần lớn là các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của Nhân dân, giúp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho đời sống của người dân. Mặt khác, chính sách này cũng có tác dụng kích cầu tiêu dùng đối với các DN, giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, ĐB ủng hộ đề xuất tiếp tục giảm VAT đến hết năm 2024 nhưng có sự rà soát kỹ về đối tượng được giảm thuế để có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay.
“Tôi đánh giá rất cao QH sẽ xem xét dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 này; đồng thời kiến nghị xem xét điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh để kích thích thị trường tiêu dùng”, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) kiến nghị.
Tạo hành lang pháp lý đồng bộ
|
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn). |
ĐB Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đặc biệt quan tâm tới tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số DN thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục. Cùng với đó là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung. Theo ĐB, đây là 2 nguyên nhân chính và là rào cản lớn nhất hiện nay dẫn đến tình trạng làm trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết 43 nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.
Tán thành việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết, ĐB Trần Quốc Tuấn đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn các Luật mới được QH thông qua như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... để tạo cơ sở, hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Theo ĐB, hệ thống văn bản pháp luật hoàn chỉnh sẽ khắc phục được tình trạng một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Chung băn khoăn về “dịch” đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm lan nhanh trong đội ngũ thực thi công vụ, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) mong muốn Đảng bộ các cấp và chính quyền coi đây là tình trạng tiêu cực, chỉ ra và thực thi kỷ luật những người né tránh, sợ trách nhiệm, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ có tinh thần “7 dám”. Còn ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị QH cần có một nghị quyết, cho phép khi thực thi công vụ được phép vận dụng các quy định của pháp luật, hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật linh hoạt, phù hợp nhất.