Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ với nhiều nhiệm vụ được chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua. Thông qua sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện.
Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, năm 2019 cần đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải cải cách mạnh mẽ, “nét” hơn và thực chất hơn nữa về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện không cần thiết, các thủ tục gây rào cản cho DN...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thì một số Bộ, ngành còn thiếu quyết liệt và khẩn trương trong triển khai các nhiệm vụ đã được Chính phủ giao. Một số Bộ, ngành chậm ban hành các thông tư hướng dẫn hoặc ban hành thông tư không đúng chỉ đạo của Chính phủ gây khó khăn cho DN và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, việc phối hợp rà soát các danh mục chuyên ngành cũng tồn tại nhiều hạn chế.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chính Minh Võ Văn Hoan cho biết, việc liên thông trong cơ quan, từng đơn vị, từng địa phương nói chung là tốt nhưng liên thông giữa các cơ quan với nhau vẫn chưa tốt. Do liên thông giữa các sở là chưa tốt nên tình trạng hồ sơ vẫn còn ì ạch, thành phố không kiểm soát được hồ sơ đó như thế nào, đang nằm ở đâu và khó khăn gì. Tình trạng trên đã dẫn đến hậu quả là các sở, ngành đùn đẩy trách nhiệm, trông chờ khi giải quyết hồ sơ của người dân và DN.
Báo cáo trước hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết, các tháng đầu năm 2019, các Bộ, ngành, địa phương đã xử lý được 934/1.049 phản ánh, kiến nghị của người dân, DN (đạt 89,03%). Về cơ bản, người dân và DN đồng tình với kết quả giải quyết của cơ quan nhà nước. Đến nay các Bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%); đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%), giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng Tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa đã được phê duyệt.
Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã có 48/63 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Đa số các Bộ đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để tiếp nhận thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông vẫn còn tình trạng trễ hẹn. Việc bố trí công chức ra làm việc tại Bộ phận một cửa tại nhiều địa phương còn lúng túng, chưa phát huy được hết vai trò của công chức, đáp ứng được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức 4 tại chỗ đối với tối thiểu 20% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Số lượng hồ sơ thực hiện trực tuyến thấp vẫn tồn tại tình trạng hồ sơ trực tuyến không được quan tâm dẫn đến trễ hạn. Nhiều TTHC không đủ điều kiện để triển khai áp dụng trực tuyến mức độ 3, 4 những vẫn được xây dựng.
`Ghi nhận và tiếp thu toàn bộ ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh, năm 2019, cải cách TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ đi vào thực chất hơn. Thể hiện ở chỗ sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã phê duyệt trong năm 2018; kiên quyết không để phát sinh thêm các điều kiện kinh doanh so với số lượng đã công bố, công khai.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến hơn nữa về công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và gửi nhận văn bản điện tử.