Kiên quyết thanh tra để phát hiện đầy đủ sai phạm trong ngân hàng

Trước những bức xúc của người dân về sự "xuất hiện" ngày càng nhiều của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ và các ngành chức năng đã hành động quyết liệt trong việc phát hiện và xử lý loại tội phạm này. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam từng tuyên bố "Ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không có bất kỳ vùng cấm nào" .

[links()]Trước những bức xúc của người dân về sự "xuất hiện" ngày càng nhiều của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ và các ngành chức năng đã hành động quyết liệt trong việc phát hiện và xử lý loại tội phạm này. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam từng tuyên bố "Ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không có bất kỳ vùng cấm nào" .

Kiên quyết thanh tra để phát hiện sai phạm

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, ngoài thanh tra các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém nằm trong diện phải tái cơ cấu lại, NHNN Việt Nam đã triển khai chương trình thanh tra đến 27 tổ chức tín dụng trong toàn quốc. Sau một quá trình phát triển quá "nóng", công tác thanh tra giám sát của hệ thống ngân hàng, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức tín dụng rất yếu kém, không phát huy được hiệu quả.

Chính vì vậy, đến nay, NHNN kiên quyết thanh tra một cách triệt để để phát hiện đầy đủ các sai phạm đó, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của các tổ chức tín dụng, chúng tôi có các giải pháp phù hợp, nếu chỉ vi phạm pháp luật dân sự, chỉ vi phạm pháp luật về kinh tế, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa để các đối tượng vi phạm có thể khắc phục.

Nhà nước có thể tạo những cơ chế để khắc phục được tình trạng này, làm sao để khôi phục lại tính lành mạnh tài chính của mỗi một tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tiền của người dân, tiền của nhà nước phải được đảm bảo, phải được trả về đúng đối tượng. Còn nếu vi phạm pháp luật hình sự thì phải xử theo Luật hình sự.

"Tín dụng đen" cũng có sự "nhúng tay" của một số cán bộ ngân hàng.

"Âm hưởng" từ vụ “bầu” Kiên...

Gây rúng động dư luận suốt một thời gian dài phải kể đến vụ bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) bị bắt vào tháng 8/2012. Xuất phát từ những lá đơn tố cáo của ba Cty do bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT là Cty CP đầu tư thương mại B & B, Cty CP đầu tư ACB Hà Nội và Cty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và khởi tố bắt tạm giam ông Kiên về tội kinh doanh trái phép.

Tiếp đó, tháng 9/2012, ông Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bị khởi tố thêm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với vai trò đồng phạm, Trần Ngọc Thanh - Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến - kế toán trưởng Cty CP đầu tư ACB Hà Nội cũng bị khởi tố.

Sau đó cơ quan điều tra cũng đã bắt ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Đây là vụ án gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi tính chất nghiêm trọng của nó. Tại cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi tháng 8/2012, vụ án này là chủ đề quan tâm số 1 của báo chí.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cho biết  trong phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Thủ tướng đã nhắc đến loại tội phạm thâu tóm ngân hàng. Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế. Bất ổn của nền kinh tế trong những năm qua có nguyên nhân là hệ thống ngân hàng chưa thực sự vững mạnh, vì vậy tái cơ cấu ngân hàng là 1 trong 3 trọng tâm.

Không phải chỉ tới khi bắt ông Kiên việc này mới được nêu ra mà từ trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo từ thanh tra đến cơ quan điều tra phải đặt nhiệm vụ hết sức quan trọng với loại tội phạm này. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, có hiện tượng một tổ chức, cá nhân sở hữu số vốn ở ngân hàng nhiều hơn so với quy định. “Quan điểm của Chính phủ là phải làm sạch hệ thống ngân hàng để mạch máu của nền kinh tế được thông suốt. Bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không có bất kỳ vùng cấm nào", ông Đam nói.

Góp phần "lành mạnh hóa" hoạt động ngân hàng

Cùng với vụ bầu Kiên, nhiều vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng cũng từng bị phanh phui trong năm 2012 thực sự là mối lo ngại chung cho toàn xã hội.

Bởi lẽ, ngoài việc gây tổn thất hàng ngàn tỷ đồng, loại tội phạm này còn tác động đến cả hệ thống tài chính tiền tệ. Loại tội phạm theo kiểu tín dụng đen với đổ vỡ dây truyền hàng loạt ở nhiều địa phương cũng cảnh báo sự "nhúng tay" của một số cán bộ ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang từng thừa nhận trên diễn đàn Quốc hội "có cả một số cán bộ, nhân viên trong các ngân hàng cũng thông đồng với số đối tượng này để rút tiền trong các ngân hàng đưa ra đây gửi để lấy lãi suất cao, để phục vụ cho ý đồ cá nhân".

Mặc dù xử lý loại tội phạm về tài chính, ngân hàng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn  do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành và quy định của pháp luật về giám định tài sản, tài chính... còn nhiều bất cập, việc đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số vụ án chưa có sự thống nhất cao. Tuy nhiên, cũng với quan điểm "xử lý không có vùng cấm", việc phát hiện, xử lý với loại tội phạm này trên thực tế được dư luận đồng tình.

Kinh tế còn khó khăn, dự báo tình hình tội phạm nhất là tội phạm về tài chính, ngân hàng "còn nhiều diễn biến phức tạp". Năm 2013 cũng là năm mà Chính phủ quyết tâm cao trong thực hiện tái cơ cấu ngân hàng để "khơi thông mạch máu cho nền kinh tế". 

Do đó, đối với các vi phạm, sai phạm trong hoạt động này sẽ bị xử lý một cách nghiêm minh, một mặt làm “lành mạnh hóa” hoạt động ngân hàng, mặt khác sẽ là bài học làm gương cho những kẻ muốn lợi dụng để "đục nước béo cò".

Bình An

Đọc thêm