Làm rõ tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy
Tại phiên họp, qua thảo luận, UBTVQH cơ bản thống nhất đánh giá bổ sung năm 2022 của Chính phủ. Theo đó, các ý kiến cho rằng đây là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trên cả bình diện quốc tế và trong nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, QH, Chính phủ có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, nhờ đó hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế đề ra.
UBTVQH thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức, tăng trưởng quý I/2023 rất thấp (ước đạt 3,32%). Đặc biệt tăng trưởng ở một số địa phương đạt âm so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, lãi suất ngân hàng còn cao, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp…
Một vấn đề được các đại biểu nêu là tình trạng làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, tình trạng này đã khiến Chính phủ phải có Công điện số 280/CĐ-TTg chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
“Địa phương thấy khó làm thì có văn bản hỏi bộ ngành, bộ ngành lại trích theo luật và đề nghị làm theo luật, cứ qua lại như vậy. Địa phương bí cũng không suy nghĩ cách làm lại cứ hỏi Trung ương. Cần rõ ràng về tình trạng cầm chừng, đùn đẩy, đá qua đá lại”, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị.
Trong bối cảnh dự báo tình hình thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục rà soát những khó khăn để tháo gỡ cho phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; khẩn trương ban hành nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung…
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. |
Chung băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn; đã phát hiện, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tuy nhiên, tình trạng sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận như chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm… Có tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm…
Nhận diện đúng thực trạng, đảm bảo sát thực, khách quan
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH đề nghị tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo hướng ngắn gọn, khái quát hơn, sát thực và khách quan hơn, súc tích hơn, có trọng tâm, trọng điểm, có thêm các định lượng để “các con số tự nói lên tất cả”.
Theo Chủ tịch QH, cần nhận diện đầy đủ cả thành tựu và những hạn chế, nhược điểm, nguyên nhân khách quan để thấy được cái tốt để phát huy cũng như những việc cần khắc phục.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, một “điểm sáng” trong Quý IV/2022 là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và lạm phát. “Cái đó là lớn lắm chứ không phải nhỏ, các báo cáo cần nhấn mạnh vấn đề này”, Chủ tịch QH lưu ý.
Đối với 2023, Chủ tịch QH cũng đề nghị phải quán triệt, bám sát những nghị quyết của QH, kết luận của Trung ương để hoàn thiện báo cáo.
Trong đó, Chủ tịch QH đề nghị phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó đề ra các giải pháp, tập trung bám sát vào những giải pháp đã có trong nghị quyết của QH, kết luận Trung ương.
“Phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ”, Chủ tịch QH lưu ý.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng theo nghị quyết của QH, Chính phủ cần bám sát kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của QH.
Chủ động tiếp tục hạ lãi suất, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tăng cường kiểm tra, xử lý, giải quyết cơ bản tình trạng sở hữu chéo, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.
Có chính sách để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là điện và xăng, dầu. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, rà soát tổng thể các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư để phát hiện kịp thời vướng mắc, bất cập, chồng chéo liên quan hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.