Chiến lược thoát khỏi COVID-19 của châu Âu
Các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý thông qua một chiến lược chung để thoát khỏi đại dịch COVID-19, dựa trên việc thiết lập các biện pháp y tế công cộng và hạn chế đi lại tuỳ thuộc vào tình hình dịch tễ của từng khu vực. Chiến lược này tuân theo những nguyên tắc về phân “vùng xanh” đã được giới chuyên môn đề xuất từ khoảng tháng 4/2020 với các nhà làm luật châu Âu.
Các nguyên tắc phân “vùng xanh” bao gồm: chia mỗi quốc gia thành các khu vực nhỏ hơn; dán nhãn các khu vực màu xanh nếu tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và màu đỏ nếu dịch bệnh diễn biến thức tạp; áp dụng các biện pháp kiểm soát sức khoẻ cộng đồng tuỳ vào màu sắc của từng vùng. Ban đầu, khi áp dụng mô hình “vùng xanh”, các quốc gia hầu hết chưa cho phép đi lại tự do với nhau giữa các vùng xanh nhằm hàn chế sự lây nhiễm chéo giữa các vùng với nhau.
Việc khoanh “vùng xanh” nhằm đảm bảo ngăn chặn sự lây lan của vi rút, tránh lặp đi lặp lại tình trạng “đóng cửa” toàn xã hội, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội bằng cách mở rộng các “vùng xanh” này trên phạm vi mỗi quốc gia và khôi phục các khả năng di chuyển giữa các khu vực an toàn. Như vậy châu Âu có thể sớm trở thành một châu lục miễn dịch với COVID-19.
Tuy nhiên, khi tỉ lệ tiêm chủng tại các quốc gia tăng lên đáng kể, các “bong bóng du lịch” bắt đầu được thiết lập, việc đi lại trở nên dễ dàng hơn. Thậm chí, những sự kiện du lịch, thể thao như Giải vô địch bóng đá châu Âu đông nghịt người tham gia ở các quốc gia đăng cai tổ chức. Dù vậy, các biến thể mới của vi rút chính là một trong các thách thức lớn nhất. Bởi chỉ cần có một đối tượng siêu lây nhiễm, cả một “vùng xanh” có thể “đổi màu” nhanh chóng.
Nói đơn giản, mô hình “vùng xanh” được vận hành trên một nguyên lý đơn giản: xác định các vùng xanh - những vùng mà vi rút đang được kiểm soát dựa trên một tập hợp các điều kiện nghiêm ngặt - và cho phép di chuyển tự do giữa các khu vực này trong khi hạn chế việc di chuyển đến và đi từ tất cả các vùng khác. Chiến lược này đã được sử dụng thành công trong những giai đoạn bùng dịch sau này ở nhiều nước khác nhau, ví như Trung Quốc và Úc.
|
Một bản đồ phân vùng của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu. |
Phân vùng quản lý theo màu sắc
Ở châu Âu, phân vùng xanh đã được Pháp và Tây Ban Nha thông qua sớm nhất là vào tháng 4/2020, nhằm tạo cơ chế không hạn chế quyền tự do di chuyển của người dân. Sau đó, ngày càng nhiều quốc gia thành viên làm theo hai quốc gia này.
Ngày 9/10/2020, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua chiến lược phân “vùng xanh” trên các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc khối liên minh. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) chịu trách nhiệm công bố các bản đồ “vùng xanh” hàng tuần nhằm phân biệt các khu vực theo màu sắc.
Có bốn màu chính trên bản đồ với ý nghĩa rõ ràng. Màu xanh lá cây tương ứng với số ca mắc thấp hơn 25 ca trên 100.000 dân trong vòng 14 ngày gần nhất, tỷ lệ dương tính với xét nghiệm COVID-19 dưới 4%. Màu cam tương ứng với số ca mắc cao hơn 25 nhưng thấp hơn 50 ca trên 100.000 người trong 14 ngày gần nhất; tỉ lệ dương tính khi xét nghiệm COVID-19 có thể thấp hơn hoặc cao hơn 4%.
Màu đỏ tương ứng với số ca mắc từ 50 trường hợp trở lên trên mỗi 100.000 người trong 14 ngày gần nhất và tỉ lệ dương tính với xét nghiệm COVID-19 cao hơn 4%. Hoặc nếu trong 14 ngày, xuất hiện hơn 150 ca dương tính trên mỗi 100.000 dân thì cũng được coi là vùng đỏ. Cuối cùng, màu xám là khu vực không có đủ thông tin dịch tễ để đánh giá, phân màu.
Theo đó, các quốc gia thành viên nhất trí rằng sẽ không có bất kì hạn chế nào, ví dụ như yêu cầu kiểm dịch hay hạn chế đi lại, đối với các khách du lịch
giữa các “vùng xanh”. Bên cạnh đó, điều kiện quan trọng là những người ở trong “vùng xanh” cũng phải hạn chế đi lại với các khu vực không được coi là “xanh”. Đáng nói, đến ngày 28/1/2021, Hội đồng Liên minh châu Âu đã bổ sung thêm một nhãn màu mới cho các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Theo đó, màu đỏ sẫm tương ứng với số ca mắc được thông báo trong vòng 14 ngày gần nhất là cao hơn 500 ca trên trung bình mỗi 100.000 người dân. Với nhãn màu mới này, lần đầu tiên toàn bộ EU đã đồng ý về các điều kiện hạn chế việc đi đến hoặc rời khỏi các “vùng đỏ sẫm”. Du khách phải cung cấp được chứng nhận xét nghiệm âm tính với vi rút trước khi khởi hành và phải tuân thủ các quy định kiểm dịch ở nơi đến.
|
Pháp là một trong những nước đầu tiên áp dụng chiến lược “vùng xanh”. |
Học được gì từ châu Âu?
Thực tế cho thấy, EU tương đối chủ động trong việc kiểm soát vi rút, trong thời quan qua. Sau khi vận hành ổn định chiến lược phân vùng theo màu sắc thì trọng tâm tiếp theo là chuyển các “vùng đỏ” sang “vùng xanh”. Để đạt được mục tiêu này, các hạn chế đi lại giữa các vùng có màu khác nhau phải được thực hiện nghiêm ngặt để bảo vệ thành công các “vùng xanh” sẵn có, dần dần mở rộng các “vùng xanh” mới.
Bên cạnh việc yêu cầu hành khách cung cấp xét nghiệm âm tính, tuân thủ quy trình kiểm dịch khi tham gia lưu thông trên mọi tuyến đường như đường bộ, đường sắt, hàng không,… Thậm chí, các hình thức như phạt tiền cũng được áp dụng để nâng cao ý thức chấp hành.
Nhìn từ các nỗ lực của châu Âu, một yếu tố quan trọng để phân vùng xanh thành công là định nghĩa được “ngưỡng xanh” là gì. Hiện nay, theo “nhãn xanh của Liên minh châu Âu”, ngưỡng 25 ca trên 100.000 dân trong 14 ngày được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với tiêu chuẩn “an toàn” với sức khoẻ cộng đồng. Nói cách khác, nằm trong giới hạn này, hệ thống y tế của khu vực vẫn có thể kiểm soát được dịch bệnh, không để vi rút lây lan bùng phát nhanh chóng cho người dân trong khu vực.
Đáng nói, EU được coi là dẫn đầu trong chiến lược phân “vùng xanh” trên toàn thế giới. Thành công này đến từ nỗ lực chung của toàn khối, chứ không riêng gì mỗi quốc gia. Vi rút không phân biệt quốc gia giàu hay nghèo, tốc độ lây nhiễm cũng không bị giới hạn bởi bất cứ cột mốc biên giới nào nên các nước EU đã lựa chọn phương thức kiểm soát và sống chung cùng với vi rút hơn là tái đóng cửa các biên giới, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền chính trị và kinh tế quốc gia.
Các quốc gia khó khăn hơn trong khối liên minh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban Liên minh châu Âu để phân vùng và bảo vệ các “vùng xanh”. Phần còn lại chính là nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thể chính phủ và cộng đồng trong việc tự giác tuân thủ các quy định và chung tay kiểm soát bệnh dịch.
Hiện nay, một thực tế không thể phủ nhận về thành công trong việc phân “vùng xanh” của EU là nhiều nước châu Âu đã có thể tái khởi động ngành du lịch, đẩy mạnh giao thương và tổ chức nhiều sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế.