Kinh tế còn tăng trưởng dưới mức tiềm năng

Hôm qua (30/7), Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và nhất trí đánh giá, “tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2013 có chuyển biến tích cực, đúng hướng, kết quả khá toàn diện, tạo cơ sở để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2013”.

Hôm qua (30/7), Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và nhất trí đánh giá, “tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2013 có chuyển biến tích cực, đúng hướng, kết quả khá toàn diện, tạo cơ sở để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2013”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Dương Giang – TTXVN

Không thể lơ là mục tiêu kiềm chế lạm phát

Thông qua việc các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch, cụ thể các giải pháp đã đề ra, “kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, “kinh tế còn tăng trưởng dưới mức tiềm năng”, nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng còn chậm, chưa vững chắc, nhất là công, nông nghiệp. Lạm phát vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng nên “không thể lơ là”. Sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, nợ xấu tuy giảm nhưng còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sức mua giảm… Tình hình tội phạm và tai nạn giao thông gia tăng gây lo lắng trong xã hội.

Vì thế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả nhằm tạo nền tảng cho ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương cần cố gắng, tiếp tục thực hiện đồng bộ, nhất quán các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng theo mục tiêu đề ra.

Để tăng tổng cầu cho nền kinh tế, cùng với các giải pháp tín dụng cần chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công và giải ngân vốn đầu tư, nhất là những dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2013.

Đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, tránh “bẫy phát triển trung bình”

Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh phải đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế vì “nếu không dễ rơi vào “bẫy phát triển trung bình” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam giải thích. Các nhà kinh tế cũng đã cho rằng, để phát triển ổn định, “không thể chạy theo những mục tiêu tức thời mà trong nhiều năm tới cần duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng và mức lạm phát, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế”.

Trong phiên họp này, Chính phủ cũng nhất trí cần tích cực triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới quan hệ sản xuất phù hợp, cải tiến phương pháp tổ chức quản lý để nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả gắn với hình thành chuỗi giá trị kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm lợi ích của nông dân.

Cùng với phát triển kinh tế thì tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, chính sách dân tộc, phòng chống thiên tai, bão lụt, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục, giảm tai nạn giao thông, tăng cường phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn trọng điểm…

Hôm nay (31/8), Chính phủ sẽ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, trong đó cho ý kiến về 10 dự án luật và Đề án “Thí điểm cơ chế kiểm soát tập trung việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức”.

Chọn lĩnh vực “nóng” để giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

 Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Thời gian qua, một số qui định pháp luật ban hành  liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng không phù hợp thực tế, thiếu tính khả thi. Vì thế, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Thí điểm cơ chế kiểm soát tập trung việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức”.

Theo đó, Bộ Tư pháp chỉ tư vấn về chuyên môn cho các Bộ, ngành để tránh tình trạng ban hành những qui định không có tính khả thi, tránh tình trạng VB được ban hành là bị phản ứng, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, việc kiểm soát này vẫn phải đảm bảo yêu cầu “tuân theo qui định của Luật ban hành VBQPPL và không “làm nhẹ” vai trò của các Bộ chuyên ngành”.  Trước mắt, Bộ Tư pháp sẽ chọn lĩnh vực “nóng” để thí điểm thẩm định (nếu Đề án được Chính phủ thông qua) nhằm xác định những khâu dẫn đến sơ suất trong qui trình ban hành VBQPPL để điều chỉnh chứ không làm thay đổi qui trình ban hành VBQPPL”.

H.Giang

Đọc thêm