UBND tỉnh Quảng Nam vừa thông báo tình hình kinh tế xã hội quý I/2024 và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Quảng Nam quý I/2024 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng âm này có phần cải thiện hơn so với các quý trước nhưng phục hồi chậm.
Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2%; VA khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 8,1%; VA khu vực dịch vụ tăng 3,3% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 7,6%.
Quy mô nền kinh tế đạt trên 26,2 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành) với cơ cấu GRDP như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,2%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,1%; khu vực dịch vụ chiếm 37,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 22%.
Với số liệu như trên, Quảng Nam so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước có mức tăng trưởng thấp thứ 3 và xếp vị thứ 29/63 về quy mô GRDP; so với 5 tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thì thấp nhất về mức tăng trưởng và xếp vị thứ 4/5 tỉnh và 8/14 tỉnh về quy mô nền kinh tế.
So với thời điểm năm 2023, kết quả thu từ nguồn thu khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương tương đối ổn định; 3 khu vực, sắc thuế giảm, gồm doanh nghiệp nhà nước địa phương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thu tiền sử dụng đất; 4 khu vực, sắc thuế tăng, gồm: công thương nghiệp - ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, thu tiền thuê đất.
|
Ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. |
Bên cạnh đó, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 được HĐND tỉnh giao là 23.600 tỷ đồng. Kết quả thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm là 5.320 tỷ đồng, đạt 23% dự toán và bằng 81% so cùng kỳ năm 2023; gồm: thu nội địa 5.069 tỷ đồng, đạt 26% dự toán và thu xuất nhập khẩu 226 tỷ đồng, đạt 6%. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 6.977 tỷ đồng, đạt 22% dự toán (31.368 tỷ đồng), bằng 123% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 4.024 tỷ đồng, đạt 82%; chi thường xuyên 2.952 tỷ đồng, đạt 21%.
Tính đến ngày 21/3/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt hơn 0,8 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, gồm: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hơn 0,3 tỷ USD, tăng 1,1% và kim ngạch nhập khẩu gần 0,5 tỷ USD, tăng 12,1%. Cục Hải quan tỉnh đã giải quyết thủ tục hải quan cho 395 doanh nghiệp, thực hiện thông quan hàng hóa cho 28.023 tờ khai, tăng 14,5,3%; giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh 11.372 lượt phương tiện vận tải đường bộ, tăng 365% và 56 lượt phương tiện vận chuyển đường biển, giảm 5,1%.
"Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Nam giảm chủ yếu do tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng giảm 8,1%. Trong khi đó, các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, du lịch và dịch vụ có tăng nhưng không đáng kể", ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam lý giải.
Về giải ngân vốn đầu tư công, đến nay, Quảng Nam đã phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương 6.394,6 tỷ đồng, đạt 90,6%; trong đó, ngân sách trung ương 2.088 tỷ đồng, đạt 95,1%; ngân sách tỉnh 4.306,5 tỷ đồng, đạt 88,6%; kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ là 662,2 tỷ đồng, gồm: ngân sách trung ương là 106,9 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 555,3 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 26/3/2024, kế hoạch vốn năm 2024 giải ngân hơn 629,7 tỷ đồng, đạt 8,9%; cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Các ngành, địa phương hiện đang tập trung rà soát, tổng hợp kế hoạch vốn năm 2023 ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) không giải ngân hết trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024.
|
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, trả lời tại buổi họp báo. |
Theo bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, chủ trương của tỉnh là gắn trách nhiệm người đứng đầu, các chủ đầu tư trong giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa cán bộ lãnh đạo nào tại tỉnh Quảng Nam bị xử lý trách nhiệm cá nhân, dù tỷ lệ giải ngân tại đơn vị, địa phương rất thấp.
Bà Hoa cho rằng, các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân người đứng đầu đã được UBND tỉnh Quảng Nam đưa vào cụ thể theo thang điểm để làm căn cứ xem xét việc đánh giá cuối năm. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật như thế nào đối với các cá nhân người đứng đầu các đơn vị, địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm thì đến nay tỉnh Quảng Nam chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu nào. Bởi vì các trường hợp này chưa đến mức xử lý kỷ luật.