Mở đầu Diễn đàn xuất khẩu năm 2012 tổ chức tại TP.HCM ngày 18/5, ông Trần Xuân Giá- nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng suy giảm sâu trong năm nay. Ông Giá cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6% khó có thể thành hiện thực, nếu không muốn nói là không thể, vì rất nhiều nguyên nhân.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá phát biểu tại Diễn đàn. |
Thứ nhất, trong quý I năm nay, kinh tế Việt Nam chỉ tăng 4%, so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 1 thập niên trở lại đây. Trong khi đó, tình hình cho thấy các quý sau thậm chí còn tăng trưởng chậm hơn quý I, diễn biến đi ngược lại với quy luật xưa nay của kinh tế Việt Nam, vốn quý I thường tăng trưởng chậm hơn các quý còn lại.
Thứ hai, trong 4 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng bằng 0, thậm chí là âm so với năm 2011. Đây được xem như một “bước lùi lịch sử” về phát triển, bởi lẽ Việt Nam là nước đang phát triển, nhưng tín dụng không tăng thì lấy đâu ra tăng trưởng kinh tế? Nhu cầu vốn của nền kinh tế giảm đột ngột, phản ánh chân thực những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
Thứ ba, sức mua của thị trường giảm mạnh, hàng tồn kho tăng qúa cao so với nhiều năm trước. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, giải thể, đăng ký ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế tăng đột ngột. Số còn lại chủ yếu sản xuất cầm chừng.
Thứ tư, nhập siêu trong thời gian qua giảm xuống rất thấp, quý I, Việt Nam nhập siêu chỉ ở mức 200 triệu USD, nhập siêu giảm sâu chứng tỏ nền kinh tế chúng ta đang rơi vào khó khăn.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thậm chí còn bi quan hơn ông Giá khi cho rằng, mức tăng trưởng năm nay “chỉ ở tầm 5% đã là quá tốt”. Theo ông Nghĩa, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông đưa ra dẫn chứng về việc qua kiểm tra nhiều doanh nghiệp báo cáo lãi nhưng thực tế thì lại ngược lại. Một tình trạng quan ngại đang diễn ra, đó là các doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau hay như một số doanh nghiệp đang nợ ngân hàng “liều” vay tiền từ thị trường chợ đen để đáo hạn.
Để vượt qua những khó khăn hiện nay, theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì doanh nghiệp cần phải quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu để tiết kiệm, tái đầu tư sản xuất hoặc trả nợ ngân hàng, thậm chí cắt giảm lao động, mượn lao động của các doanh nghiệp khác, mà không thuê lao động mới. Đặc biệt các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau để tạo nên sức mạnh mới dìu nhau qua cơn khốn khó.
Ông Nghĩa còn đưa ra một “triết lý” vừa như đùa nhưng cũng rất thực tế trong thời điểm hiện nay, đó là: “thà nợ ngân hàng còn hơn nợ tín dụng đen; khất được nợ là lý tưởng, giây dưa được nợ là sống còn”.
Lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế trong năm nay, ông Võ Trí Thành- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: mặc dù trong quý I các chỉ tiêu kinh tế nhìn chung đều tăng trưởng không tốt, tuy nhiên bắt đầu tư tháng 4 đã có nhiều dấu hiệu phục hồi trở lại, như chỉ tiêu tín dụng, nhập siêu cũng nhích dần, xuất khẩu đạt khá…
Không ít thị trường xuất khẩu, như Lào, Trung Quốc, Căm Pu Chia, Mỹ, Nhật… vẫn hứa hẹn nhiều tiềm năng cho hàng Việt Nam. Mặc dù vậy, ông Thành cũng nhấn mạnh:hHiện chúng ta chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng đem lại hiệu quả kinh tế không cao vì chủ yếu ở dạng sơ chế. Với những dấu hiệu đó, ông tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5,3% trong năm nay.
Để gỡ khó cho nền kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá cũng đề xuất hàng loạt giải pháp. Trước hết, muốn cứu nền kinh tế thì phải bắt đầu bằng cứu doanh nghiệp. Vấn đề giải quyết tín dụng phải kịp thời, cấp tập, nếu không hiệu quả sẽ rất thấp. Tuy nhiên mấu chốt vẫn là các doanh nghiệp phải tự mình tổ chức, cơ cấu lại sản xuất, quản lý, điều hành. Đây là cách tốt nhất, tự cứu mình là chính, Nhà nước chỉ là người hỗ trợ phần nào...
Ngọc Quý