Theo Bệnh viện Bãi Cháy, bé sơ sinh đủ tháng, sau mổ không khóc, suy hô hấp được các bác sĩ hồi sức tích cực thoát cơn nguy kịch. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhi đáp ứng không tốt, sốc và tái sốc nhiều lần, có những lúc chỉ số sinh tồn rất mong manh: mạch rời rạc, nồng độ oxy trong máu tụt thấp, trên lâm sàng phổi thông khí giảm nhanh.
Bé được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu. Kết quả xét nghiệm chỉ số nhiễm trùng cao, hình ảnh chụp X-quang phổi mờ toàn bộ trường phổi phải và mờ không đều trường phổi trái. Qua thăm khám và các xét nghiệm cận, bác sĩ kết luận tình trạng suy hô hấp, viêm phổi bào thai và sốc nhiễm khuẩn, tiên lượng tử vong cao.
Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi tình trạng sức khỏe chặt chẽ, điều trị hồi sức tích cực theo phác đồ. Sau 3 ngày điều trị hồi sức tích cực, thở máy, bệnh nhi thoát nguy cơ tử vong, chỉ số máy thở giảm dần, huyết động ổn định, phản xạ tốt, ăn tiêu được.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn – Phó Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Bệnh nhi ngay sau sinh đã bị suy hô hấp, viêm phổi bào thai, sốc nhiễm khuẩn nên bệnh diễn tiến chuyển nặng rất nhanh. Nếu không điều trị tích cực, kịp thời, có thể tử vong nhanh.
Trong giai đoạn sơ sinh, sức đề kháng của các bé rất yếu, hoàn toàn phụ thuộc vào miễn dịch mẹ và con. Tuy nhiên miễn dịch này có được trong thời kỳ bào thai và sau sinh phụ thuộc vào sức khỏe của mẹ. Nếu người mẹ không được kiểm soát thai nghén, không được khám sức khỏe định kỳ hoặc từng mắc bệnh lý nhiễm khuẩn trong thai kỳ thì có thể truyền bệnh nhiễm khuẩn cho con dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng của trẻ sau sinh”.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ có thai nên đi khám thai định kỳ để được theo dõi sức khỏe tốt nhất, kịp thời phát hiện các bệnh lý nguy hiểm trong quá trình mang thai, nhận sự tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng từ các bác sĩ chuyên khoa, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Trường hợp khi mẹ mắc các bệnh lý trước và trong quá trình mang thai cần được theo dõi và thông báo cho bác sĩ để nhận được sự quản lý thai nghén tốt nhất.