Kịp thời tháo gỡ bất cập trong thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là điểm mới quan trọng trong Luật Tài nguyên nước. Thời gian qua việc thu tiền này được triển khai như thế nào?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cần sớm hoàn thiện quy định chi tiết

Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (TNN) là điểm mới quan trọng trong Luật TNN. Đây là một chính sách lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách và cũng mới chỉ áp dụng đối với một số hoạt động khai thác nước có lợi thế như: Thủy điện, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chưa thu tiền với hoạt động sản xuất nông nghiệp (sử dụng nhiều nước nhất, khoảng 70%), sinh hoạt của nhân dân.

Quy định này được cụ thể hóa trong Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác TNN. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 41/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 82, có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. 

Việc thu tiền cấp quyền khai thác TNN được quy định tại Điều 65 Luật TNN. Theo quy định, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ được thu từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực (1/7/2011) và tiền cấp quyền khai thác TNN sẽ thu từ khi Luật TNN có hiệu lực (1/1/2013). Tuy nhiên, ngày 28/11/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20/1/2014, chậm 2 năm 6 tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành. Ngày 17/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác TNN, có hiệu lực từ ngày 1/9/2017, chậm 4 năm 8 tháng kể từ ngày Luật TNN có hiệu lực thi hành.

Đối với khoáng sản, các thông số tính tiền là trữ lượng và chất lượng của từng mỏ, từng loại khoáng sản. Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng nghị định, có khoảng 4.400 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng nội dung cấp phép không thống nhất, phức tạp, chỉ ghi công suất khai thác, phần lớn không có trữ lượng, chất lượng khoáng sản, dẫn đến việc hoàn thiện phương pháp tính, mức thu khó khăn.

Đối với TNN, để hoàn thiện phương pháp tính cần xác định cụ thể nội hàm của từng thông số kỹ thuật tính tiền, gắn với từng đối tượng, từng công trình, mục đích khai thác nước, đặc biệt là các công trình khai thác nước tổng hợp cho nhiều mục đích khác nhau.

Có nên miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước?

Theo số liệu báo cáo của các tỉnh và số liệu thống kê của Bộ TN&MT, tính từ khi Nghị định 82 có hiệu lực đến ngày 10/7/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 655 quyết định cấp quyền khai thác TNN, với tổng số tiền 9.954,5 tỷ đồng; các địa phương đã phê duyệt được trên 3.300 quyết định cấp quyền khai thác TNN, với tổng số tiền trên 637 tỷ đồng.

Cuối năm 2020, trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác TNN trong năm 2020.

Theo Tờ trình, mục đích xây dựng nghị quyết nhằm tạo được chính sách để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020. Ước tính, nếu Nghị quyết được thông qua sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng. Theo lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc trình Quốc hội ban hành chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác TNN trong năm 2020 chưa đảm bảo có đầy đủ căn cứ để ban hành chính sách. 

Ngoài việc được hỗ trợ về thuế, việc đề nghị miễn tiền cấp quyền khai thác TNN cho cả 3 nhóm đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật TNN là quá dàn trải. Trong khi Tờ trình cũng như Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ không có số liệu cho thấy sự khó khăn trong sản xuất; tăng, giảm sản lượng sản xuất của các đối tượng, cũng như sự thua lỗ trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân khai thác TNN và không làm rõ số dự kiến nộp ngân sách nhà nước từ các đối tượng sử dụng TNN năm 2020.

Đọc thêm