Kon Tum dẫn đầu tốc độ tăng trưởng vùng Tây Nguyên

(PLVN) - Kon Tum dẫn đầu tốc độ tăng trưởng các tỉnh Tây Nguyên năm 2024 với nhiều thành tựu về kinh tế, nông nghiệp, du lịch và giáo dục.
Năm 2024 tỉnh Kon Tum đón hơn 2,3 triệu lượt khách du lịch, mang lại doanh thu 690 tỉ đồng. (Ảnh Trọng Triển)

Ngày 25/12, ông Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum đạt tốc độ tăng trưởng đứng đầu khu vực Tây Nguyên trong năm 2024. Thành tựu này phản ánh nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong việc thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo nên dấu ấn quan trọng trong bức tranh phát triển của khu vực.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 20.225 tỉ đồng, tương đương 97,19% kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 97,8% kế hoạch, xếp thứ 24 toàn quốc và dẫn đầu khu vực Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tính đạt 30.000 tỉ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch, trong đó vốn đầu tư từ khu vực tư nhân đạt 22.500 tỉ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến khoảng 4.425 tỉ đồng, trong khi chi ngân sách địa phương ước đạt 12.554 tỉ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, diện tích trồng cà phê đạt khoảng 31.550 ha, cao su hơn 81.600 ha, mắc ca hơn 4.100 ha, cây ăn quả trên 12.500 ha, sâm Ngọc Linh khoảng 2.900 ha, và cây dược liệu khác đạt 10.430 ha. Tổng đàn gia súc trên địa bàn ước đạt 317.600 con, trong khi diện tích nuôi trồng thủy sản vượt 1.000 ha. Tỉnh đã trồng được hơn 3.200 ha rừng trong năm qua.

Ngành du lịch của Kon Tum cũng ghi nhận những bước phát triển ấn tượng với khoảng 2,3 triệu lượt khách du lịch, mang lại doanh thu 690 tỉ đồng. Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh đã xóa 106 phòng học tạm, đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 99,3%, xếp thứ hai khu vực Tây Nguyên.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như các vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn xảy ra, đặc biệt tại các xã và khu vực giao khoán cho hộ gia đình quản lý; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, dẫn đến tiến độ triển khai các dự án bị ảnh hưởng; Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh cùng hiệu quả quản trị và hành chính công đều có dấu hiệu giảm sút.

Mặc dù chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều học sinh dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu chương trình học. Ngoài ra, tình trạng xây dựng công trình không phép tại một số khu vực vẫn chưa được xử lý triệt để.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sâm, nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trên bao gồm khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng còn phức tạp, và sự thiếu chủ động, quyết liệt của một số sở, ban ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Đến năm 2025, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%, GRDP bình quân đầu người hơn 70 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.000 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vượt 32.700 tỉ đồng. Theo đó, tỉnh Kon Tum dự kiến sẽ trồng mới gần 1.580 ha sâm Ngọc Linh, hơn 770 ha rừng, và đạt giá trị xuất khẩu 353 triệu USD. Ngoài ra, Kon Tum kỳ vọng thu hút 3 triệu lượt khách du lịch trong năm tới.

Đọc thêm