Kỳ dị chuyện bỗng dưng mang án “hiếp dâm”

Một công dân lương thiện đột ngột bị kết án “Hiếp dâm”, một công dân vô tội khác bỗng dưng bị công an ập tới còng tay bắt khẩn cấp theo... lệnh truy nã! Thật khó tin nhưng đó là những vụ án oan có thật vừa mới xảy ra .

Một công dân lương thiện đột ngột bị kết án “Hiếp dâm”, một công dân vô tội khác bỗng dưng bị công an ập tới còng tay bắt khẩn cấp theo... lệnh truy nã! Thật khó tin nhưng đó là những vụ án oan vừa mới xảy ra ngay trong thời kỳ chúng ta đang nỗ lực thực hiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, chống oan sai.

Nỗi oan kỳ dị 

Mới đây, TAND tỉnh Đăk Nông đã xử lại vụ án Bùi Quốc Hoàng theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án do có những sai lầm nghiêm trọng từ việc “nhầm” tên họ, lai lịch của bị cáo Hoàng thành Phạm Văn Linh. Theo Chánh án TAND huyện Tuy Đức, đây là một tai nạn nghề nghiệp rất hy hữu dẫn đến oan, sai về tên.

Ông Võ Văn Hùng

Tháng 12/2009, anh Phạm Văn Linh (36 tuổi, ở thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, Bình Thuận) bàng hoàng khi được tống đạt quyết định thi hành phần dân sự của bản án mà TAND huyện Tuy Đức (Đăk Nông) xử phạt bản thân anh 42 tháng tù giam về tội “Hiếp dâm”, cộng mức bồi thường cho bị hại 5 triệu đồng, nộp 450.000 đồng án phí hình sự và dân sự sơ thẩm.

Hoang mang, anh Linh đến Chi Cục Thi hành án (THA) huyện Đức Linh để hỏi việc bản thân vì sao bỗng dưng lại lãnh án? Tại đây, anh té ngửa khi nhận bản án số 27/2009/HSST ngày 28/9/2009 của TAND huyện Tuy Đức (Đăk Nông) xử anh về hành vi hiếp dâm chị P.T.T.V tại tiểu khu 1535 xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức vào lúc 18h ngày 16/1/2008.

Theo hồ sơ vụ án, anh Linh bị phạt 3 năm 6 tháng tù, tính từ ngày bị bắt tạm giam là 3/4/2009, buộc bồi thường cho bị hại 5 triệu đồng, nộp 450.000 đồng án phí hình sự và dân sự sơ thẩm. Từ trước đến nay, anh không hề rời khỏi địa phương, sao có thể thực hiện hành vi hiếp dâm, rồi bị xét xử và đang thụ án tại Trại giam huyện Tuy Đức cách xa hàng ngàn km?

Anh Linh khiếu nại việc cơ quan tố tụng đã nhầm lẫn bởi lâu nay anh vẫn ở Bình Thuận, chẳng làm gì phạm pháp, cũng chưa từng bị bắt giam, truy tố, xét xử. Lúc này, các cơ quan tố tụng mới đi xác minh tại trại giam nơi bị án thụ hình, truy lại nhân thân bị án bởi sao lại có chuyện Linh đang thụ án, làm gì được ở ngoài mà gửi đơn khiếu nại?

Sự thật được làm rõ: Kẻ phạm tội là Bùi Quốc Hoàng (thường trú xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chứ không phải anh Phạm Văn Linh ở Bình Thuận. Do là bạn bè thân thiết với anh Linh từ lúc ở Quảng Ngãi nên Hoàng nghĩ ra cách giả tên anh này để lừa các cơ quan tố tụng. Hành vi của Hoàng không chỉ “qua mặt” được các cơ quan tố tụng, đẩy anh Phạm Văn Linh vào oan khuất, mà còn khiến các cơ quan tố tụng huyện Tuy Đức đối mặt với trách nhiệm phải xin lỗi công khai, bồi thường vì đã làm oan anh Linh.

Bị bắt oan chỉ vì trùng tên họ

Sáng ngày 12/11/2010, ông Võ Văn Hùng (ở ấp 3, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đột ngột bị công an ập tới còng tay bắt khẩn cấp theo lệnh truy nã. Quá bất ngờ và hoảng sợ, ông Hùng ú ớ hỏi: “Các anh bắt tôi vì tội gì?” thì được Công an xã lấy ra tờ Lệnh truy nã với nội dung: Truy nã đối tượng Võ Văn Hùng ngụ ấp 3, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” do Công an quận 6 (TP.Hồ Chí Minh) ký ngày 20/8/2000.

Chiều cùng ngày, Công an quận 6 cử người đến Đồng Nai “xác minh và truy bắt đối tượng truy nã”. Trong biên bản bắt giữ có ghi: Võ Văn Hùng, sinh năm 1958, quê Đà Nẵng như trong lệnh truy nã. Nhưng ông Hùng và gia đình đều chứng minh toàn bộ giấy tờ tùy thân đều ghi ông sinh năm 1959, quê quán Sóc Trăng. Mặt khác, hình trong lệnh truy nã cũng không phải là ông. Dù vậy, ông Hùng vẫn bị áp giải đưa về Công an quận 6.

Anh Phạm Văn Linh

Ông Hùng bị giam đến chiều 15/11 thì công an cho xe ôm chở ông ra bến xe miền Đông, hướng dẫn đường về nhà. Lúc được thả, ông Hùng có xin Công an quận 6 cho ông một giấy tờ gì đó để chứng minh ông vô tội nhưng tuyệt nhiên không có.

Giải thích về việc bắt nhầm công dân Võ Văn Hùng, Đại úy Doãn Văn Đến  (Trưởng Công an xã Xuân Tâm) cho biết: “Lúc lực lượng vào hỏi tên cha, tên mẹ ông Hùng đều khớp với lệnh truy nã nên mới bắt. Nhưng khi đưa về xã chúng tôi thấy có vài chi tiết như năm sinh, quê quán và hình ảnh không giống nên đã báo Công an quận 6 lưu ý. Các anh ở Công an quận 6 nói cứ đưa ông Hùng về TP.Hồ Chí Minh đã rồi xem hồ sơ sau”.

Trong công văn trả lời Công an xã Xuân Tâm, Thượng tá Ngô Văn Thêm (Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận 6, TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Sau khi nhận diện, phía bị hại khẳng định ông Võ Văn Hùng bị Công an quận bắt giữ ngày 12/11/2010 không phải là người trước đây chiếm đoạt tài sản. So sánh hình trong quyết định truy nã và người vừa bị bắt giữ cũng không phải là một người”.

Sự thật đã rõ, Công an xã Xuân Tâm cho biết sẽ tổ chức họp dân, thông báo về việc ông Võ Văn Hùng bị bắt oan.

Sai một ly, đi một cuộc đời!

Hai vụ án oan hy hữu kể trên đều có nguyên nhân do những sai sót từ sự cẩu thả, tắc trách tưởng như không đáng có của cơ quan tiến hành tố tụng. Ở vụ án Bùi Quốc Hoàng, đành rằng Hoàng có lỗi do cố tình khai báo gian dối họ tên, tuổi, lai lịch của anh Phạm Văn Linh nhưng trong quá trình điều tra, Công an huyện Tuy Đức cũng không tra cứu tàng thư, giám định vân tay để xác định đúng họ tên, lý lịch can phạm. Việc bắt tạm giam bị can cũng không được CQĐT thông báo về cho gia đình bị can, chính quyền địa phương nơi bị can cư trú.

Tương tự, nỗi oan của ông Võ Văn Hùng là do Công an xã Xuân Tâm và Công an quận 6 TP.Hồ Chí Minh đã không tìm hiểu, kiểm tra, xác minh đối chiếu kỹ lý lịch “nghi can” với lý lịch can phạm bị truy nã, không so chiếu ảnh... khiến một công dân phải mang đại họa. 

Theo chúng tôi, việc xin lỗi, minh oan và bồi thường cho công dân bị hàm oan phải được tiến hành cùng với việc nghiêm khắc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của những cán bộ sai phạm. Không thể coi sự cẩu thả, tắc trách trong nghiệp vụ của người tiến hành tố tụng là tai nạn nghề nghiệp, bởi họ chỉ sai một ly là người dân vô tội “đi” cả một cuộc đời!

Trần Nguyên

Đọc thêm