Kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIII sẽ quyết định về nhân sự nhà nước

(PLO) -  Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến thời gian tiến hành Kỳ họp là 22,5 ngày làm việc. Trong đó, theo kế hoạch từ ngày 4 đến 16/4, QH sẽ xem xét, quyết định về công tác nhân sự nhà nước. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/3 cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Làm rõ “bài học nhân dân” 

Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội (QH) cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, QH khóa XIII đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới mạnh mẽ, bám sát thực tiễn triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn cả trong lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, có nhiều quyết sách, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, đồng thời tạo nền tảng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong những năm tới, tạo niềm tin tưởng, ủng hộ của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của QH và bộ máy nhà nước.

Báo cáo cũng chỉ ra nhiệm kỳ qua, hoạt động lập pháp vẫn còn một số hạn chế, QH có phần trách nhiệm đối với những tồn tại, yếu kém của đất nước khi chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới... 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần nói sâu hơn về vai trò của đại biểu (ĐB) QH vì “họ mang trên mình sức mạnh của nhân dân, đưa nguyện vọng, ý chí của nhân dân đến với QH” để QH ra được các nghị quyết quan trọng, phục vụ lợi ích nhân dân. Chủ tịch QH cũng cho rằng, ĐBQH “phải là người tử tế thì mới đại diện cho dân, mới làm tốt được chức năng của ĐBQH”.

Cùng với đó, Chủ tịch QH cũng cho rằng ở phần bài học kinh nghiệm phải có một mục riêng về nhân dân, bởi nhờ được nhân dân đồng tình và ủng hộ, nhờ dân giám sát, được nhân dân góp ý kiến thì QH mới làm tốt chức năng của mình, tạo nên sức mạnh của QH. “Ta xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cũng vì nhân dân, bám sát đời sống người dân, lắng nghe ý kiến của người dân, chắt lọc để tạo sức mạnh cho mình” – Chủ tịch QH nói thêm. 

Đồng ý với ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị luôn nhấn mạnh tư tưởng QH lấy dân làm gốc, lắng nghe dân trong phần bài học kinh nghiệm rút ra từ hoạt động của QH nhiệm kỳ khóa XIII. Còn Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị đưa nội dung biển Đông vào Báo cáo bởi việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào xâm phạm chủ quyền Việt Nam là sự kiện chính trị lớn. QH đã có những phản ứng kiên quyết nhưng đúng mức, góp phần giải quyết vấn đề. 

Nhất trí chưa trình Luật Biểu tình

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII, theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến thời gian tiến hành Kỳ họp là 22,5 ngày làm việc, trong đó QH làm việc 2,5/5 ngày thứ bảy và dự kiến bế mạc vào ngày 16/4/2016. Trong đó, dự kiến từ ngày 4 đến 16/4/2016, QH sẽ xem xét, quyết định về công tác nhân sự nhà nước. 

Chương trình cụ thể sẽ được trình QH tại phiên họp trù bị của Kỳ họp khoá 11. Tại kỳ họp, 7 dự án luật sẽ được xem xét, thông qua. Về Dự án Luật Biểu tình trước đây dự kiến trình QH tại Kỳ họp 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí tiếp tục để Chính phủ chuẩn bị kỹ nhằm đảm bảo sự thống nhất cao thì mới trình ra QH.

Tại phiên họp, UBTVQH đồng ý cho rút, không đưa 2 nội dung ra xem xét tại kỳ họp tới, bao gồm Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội khóa XIV quyết định tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016); các báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. 

Thay vào đó, QH sẽ xem xét các báo cáo về việc phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và Báo cáo về kết quả đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề có liên quan.

Đọc thêm