Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiếp tục kết hợp trực tuyến và tập trung

(PLVN) - Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, chiều 14/7, Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc, hoàn thành các nội dung chương trình đã đề ra
Toàn cảnh Phiên họp thứ 46 của UBTVQH.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 46 của UBTVQH.

Cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Thường vụ Quốc hội về dự kiến nội dung, thời gian và hình thức tổ chức kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, về hình thức kỳ họp, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, đề nghị Kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung với tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 18 ngày. T

rong đó, đợt 1 tiến hành 9 ngày bắt đầu ngày 19/10 (trước 1 ngày so với quy định để tăng khoảng cách thời gian giữa 2 đợt) và kết thúc ngày 28/10. Đợt 2 tiến hành 9 ngày bắt đầu từ ngày 3/11 và kết thúc vào ngày 12/11 (bế mạc kỳ họp), dự phòng ngày 13/11.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết thêm, Văn phòng Quốc hội sẽ tập trung nâng cấp các phần mềm phục vụ đại biểu Quốc hội để bổ sung tính năng đăng ký tranh luận, tạo thuận tiện, công khai, minh bạch.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban, kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, UBTVQH nhất trí Kỳ họp thứ 10 được tổ chức thành hai đợt, một đợt trực tuyến và một đợt tập trung; đồng thời cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung kỳ họp. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giao Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của UBTVQH để bố trí thời gian theo nguyên tắc các nội dung thảo luận, cho ý kiến đưa vào đợt 1 và các nội dung quyết định, công tác nhân sự, chất vấn, thảo luận về kinh tế - xã hội đưa vào đợt 2. 

Đồng thời, xem xét bố trí giảm thời gian thảo luận tổ, tăng thời gian thảo luận tại hội trường; đề nghị xin ý kiến đại biểu Quốc hội về thời gian phát biểu tại hội trường từ 7 phút giảm xuống còn 5 phút để tạo điều kiện có thêm nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu tại hội trường.

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.

Sau khi nghe báo cáo và thảo luận tại phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. 

Nghị quyết được thông qua đã sửa đổi, bổ sung Tiểu mục 2, mục 1 của Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 579 của UBTVQH như sau: Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 01/8/2020. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít được áp dụng từ ngày 01/01/2021. 

So với Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) ngày 26/9/2018 thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tại Luật Thuế bảo vệ môi trường là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế).

Nghị quyết mới được UBTVQH thông qua cũng giao cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Ngoài ra, tại Phiên họp thứ 46, UBTVQH cũng đã quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. 

Bên cạnh đó là cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội; việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước.

Đọc thêm