Kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hải Phòng: Xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế, an sinh xã hội

(PLVN) - Ngày 4/12, HĐND TP Hải Phòng khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra kỳ họp thứ 21 (kỳ họp thường lệ cuối năm).
Kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hải Phòng khoá XVI khai mạc sáng 4/12.

Xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Phạm Văn Lập cho biết: Kỳ họp thứ 21 HĐND Thành phố (TP) khoá XVI, được tổ chức vào thời điểm cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân TP đang ra sức phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2024. Theo Chương trình Kỳ họp, HĐND TP sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung có ý nghĩa rất quan trọng.

Cụ thể, về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, HĐND TP sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh TP năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc phòng - an ninh năm 2025; dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Về các Nghị quyết chuyên đề, HĐND TP sẽ xem xét, thảo luận và thông qua các nghị quyết chuyên đề, như: Các nghị quyết liên quan đến thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Nghị quyết số 1232 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025, trong đó có thành lập TP Thủy Nguyên, quận An Dương, mở rộng địa giới hành chính quận Hồng Bàng và các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp, chuyển đổi.

Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Lập phát biểu khai mạc kỳ họp.

Bên cạnh đó, kỳ họp cũng sẽ xem xét các nghị quyết về an sinh xã hội như: hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3; Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn; Hỗ trợ để di dời người dân tại các chung cư cũ xuống cấp và người dân đến ở tại chung cư mới; Hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy; hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; Hỗ trợ thu hút và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trình độ cao cho Trường Đại học Hải Phòng giai đoạn 2025 – 2030;…

Về hoạt động giám sát, HĐND TP sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân TP tham gia vào nội dung kỳ họp; xem xét kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định pháp luật trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP Hải Phòng; Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “thực hiện các quy định pháp luật trong công tác quản lý giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố Hải Phòng”; thảo luận, xem xét các báo cáo của UBND TP, các cơ quan của HĐND TP, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự TP...

Ngoài ra, HĐND TP dành 1/2 ngày thực hiện chất vấn đối với Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung vào các nhóm vấn đề được nhiều cử tri, Nhân dân TP quan tâm và được các đại biểu HĐND TP đăng ký chất vấn.

Để chuẩn bị Kỳ họp, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo các Ban HĐND TP phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm tra, tiếp thu tối đa và giải trình kỹ các ý kiến tham gia, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ và đúng quy định.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp.

Không để xảy ra tình trạng “Nghị quyết là nơi trú ẩn trách nhiệm”

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, cũng như củng cố nền tảng phát triển mới vững chắc cho TP Hải Phòng trong quá trình triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.

Trên cơ sở những kết quả, bài học kinh nghiệm rút ra của nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bí thư Thành ủy đề nghị HĐND TP tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn nữa hoạt động của HĐND TP để các chính sách của TP phải thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ các nút thắt, các rào cản, khai thông động lực phát triển cho TP.

Trong đó, chủ động rà soát, đề nghị UBND TP trình cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định, quy định khai thông động lực phát triển cho TP hoặc đề xuất sửa đổi các quy định chưa thật sự thông thoáng, tạo rào cản cho sự phát triển; Tập trung vào nâng cao chất lượng các Nghị quyết của HĐND TP, tổ chức thẩm tra chặt chẽ, kỹ lưỡng các nội dung trình, kiên quyết không thông qua các nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật, chưa bảo đảm trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành nghị quyết, các nội dung có biểu hiện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không được để xảy ra tình trạng “Nghị quyết là nơi trú ẩn trách nhiệm”.

Công tác tổ chức các kỳ họp cần chủ động hơn, linh hoạt hơn, tăng cường tổ chức kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất; rút ngắn thời gian tổ chức các kỳ họp, tập trung thẳng vào vấn đề cần thảo luận, thông qua. Nghiên cứu sắp xếp, kiện toàn các Ban, đơn vị của HĐND TP bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hải Phòng sẽ xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Đảng đoàn HĐND TP tiếp tục chỉ đạo những vấn đề thuộc thẩm quyền để tổ chức triển khai Nghị quyết số 169 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị TP Hải Phòng; Nghị quyết số 1232 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, trong thời gian tới, TP sẽ triển khai chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, Đảng đoàn HĐND TP cần chủ động tham gia, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP về xây dựng chính quyền.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu HĐND TP tiếp tục tăng cường công tác giám sát của nhất là trong bối cảnh tổ chức chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND các quận và phường); trong đó, cần có sự phối hợp với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị để triển khai công tác giám sát, tránh chồng chéo về nội dung gây lãng phí. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản pháp luật; chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng- an ninh năm 2024; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp năm 2025, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng nêu rõ: Với sự quyết tâm, nỗ lực cao của hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và phương thức điều hành năng động, sáng tạo của lãnh đạo TP, năm 2024, tình hình phát triển kinh tế xã hội Hải Phòng có xu hướng tăng trưởng, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Mặc dù vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế chưa hoàn thành, đòi hỏi cần tiếp tục cải thiện để đạt kế hoạch đề ra trong giai đoạn tiếp theo. TP đã nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, 2/19 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng báo cáo tại kỳ họp.

Cụ thể, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hải Phòng ước đạt 11% thấp hơn mức mục tiêu kế hoạch đề ra, nhưng vẫn tiếp tục năm thứ mười liên tiếp tăng trưởng ở mức hai con số. Tổng thu ngân sách đạt 109.387 tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch, đạt 111,8% dự toán Trung ương giao và đạt 102,5% dự toán HĐND TP giao.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 48.255 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 60.000 tỷ đồng. Sản lượng hàng qua Cảng đạt 190 triệu tấn, đạt kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 33,25 tỷ USD, vượt kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 210.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch; thu hút vốn FDI đạt 4,7 tỷ USD, tăng đạt 235% kế hoạch…

Về chủ đề năm 2025, trên cơ sở đánh giá việc thực hiện chủ đề các năm trước và định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm, TP đề xuất chủ đề năm 2025 là “Mở rộng không không gian kinh tế, đô thị, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù, tăng cường chuyển đổi xanh và chuyển đổi số”.

TP cũng đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2025. Theo đó, GRDP tăng khoảng 12,5% so với năm 2024. GRDP bình quân đầu người đạt 9.486 USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 17%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 117.379 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 51.000 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 62.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 240.000 tỷ đồng; sản lượng hàng qua Cảng đạt 212 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 37 tỷ USD; thu hút khách du lịch đạt trên 10 triệu lượt khách; thu hút 4,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Một số chỉ tiêu về xã hội như: giải quyết việc làm cho 58.500 lượt người lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 88%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,2%; tiếp tục duy trì trên địa bàn TP không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022 - 2025; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật 40,77%...

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện. Trong đó chú trọng mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển-logictics; du lịch-thương mại.

Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Triển khai hiệu quả quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch TP. Tập trung hiện đại hoá đô thị; phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Cùng với đó, TP tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh hơn nữa phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, liên kết vùng; củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Đọc thêm