Sự kiện có ý nghĩa lịch sử
Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Nghiêm Vũ Khải - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Azerbaijan – nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vùng mỏ dầu Baku, Thủ đô Azerbaijan vào ngày 23/7/1959, tức tròn 60 năm trước, là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ Việt Nam -Azerbaijan.
“Tại đây, Bác Hồ đã nói với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư dầu khí nước bạn rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Baku””, ông Khải cho hay.
Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Azerbaijan, dù trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Bác đã không ít lần dự đoán chính xác những sự kiện có tính dấu mốc lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn của nhân loại nhưng câu nói của Bác hàm chứa hy vọng, ước muốn của Người hơn là lời tiên tri.
Ông Nghiêm Vũ Khải cho biết, chỉ ít lâu sau đó, ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất đã ra quyết định thành lập Đoàn Địa chất 36 có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam. Tiếp theo đó, năm 1966 thế hệ lưu học sinh đầu tiên gồm 8 người đã đến học tại Trường Đại học Dầu – Hóa Azerbaijan mang tên Azizbekov.
Những năm tiếp theo, số sinh viên không ngừng tăng lên, phạm vi chuyên môn không ngừng mở rộng để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành công nghiệp thăm dò – khai thác – chế biến dầu khí.
“Tầm nhìn của Hồ Chủ tịch và lãnh đạo đất nước giai đoạn đó còn thể hiện ở khía cạnh sâu xa ở chỗ Azerbaijan lúc đó là nơi đầu tiên ở Liên Xô khai thác dầu khí trên biển Caspi. Sau này Việt Nam chủ yếu tìm thấy dầu khí trên Biển Đông”, ông Khải nói.
Các trường đại học Azerbaijan đã đào tạo cho Việt Nam hàng ngàn kỹ sư, cử nhân, sỹ quan hải quân, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học. Riêng Đại học Dầu – Hóa Azerbaijan, nay là Đại học Dầu và Công nghiệp Azerbaijan trong 50 năm qua (1967-2017) đã đào tạo cho Việt Nam trên 500 người trình độ từ kỹ sư trở lên.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Azerbaijan cho biết, thế hệ của ông đặt chân đến mảnh đất Azerbaijan vào những năm tháng cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam đang đi vào giai đoạn cực kỳ cam go, ác liệt và đầy gian khổ, hy sinh.
“Trong những năm đó, chúng tôi đã có cơ hội sống và học tập với sự quan tâm, giúp đỡ chân thành của các thày cô, bạn bè cùng trang lứa, những người dân của “Đất nước của Ngọn lửa” như ý nghĩa của tên gọi Azerbaijan, cũng như của Thủ đô Baku – Thành phố Gió. Chúng tôi đã cảm nhận và giữ mãi trong tim mình về Azerbaijan - một đất nước, một dân tộc anh em của chúng ta với truyền thống mến khách, ấm áp tình người, luôn chia sẻ, đoàn kết và ủng hộ hết mình cho một Việt Nam đang tiến hành cuộc đấu tranh chính nghĩa đầy gian khổ, hy sinh. Tôi và bạn bè cùng trang lứa đến đâu cũng gặp những người bạn Azerbaijan, cổ vũ chúng tôi: “Việt Nam anh hùng”, “Việt Nam nhất định thắng”, “Việt Nam – Hồ Chí Minh”…”, ông Khải bồi hồi nhớ lại.
Đưa tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Azerbaijan lên tầm cao mới
Theo đánh giá của ông Nghiêm Vũ Khải, quan hệ giữa Việt Nam và Azerbaijan đã phát triển mạnh mẽ trên cả 4 lĩnh vực ngoại giao, bao gồm ngoại giao nhà nước; ngoại giao giữa 2 đảng cầm quyền là Đảng Cộng sảnViệt Nam và Đảng Azerbaijan Mới; quan hệ giữa hai Quốc hội và quan hệ hữu nghị nhân dân. “Điều này thật hiếm có trong lịch sử ngoại giao quốc tế”, ông nói.
Các đại biểu dự Giao lưu. |
Vẫn theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Azerbaijan, tiềm năng và triển vọng hợp tác của Việt Nam và Azerbaijan là to lớn. Trong đó, Azerbaijan là cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận các quốc gia vùng lân cận Nam Kavkaz, vùng Caspia và Nam Âu - một thị trường rộng lớn và tiềm năng. Vì thế, hợp tác với Azerbaijan để tiếp cận thị trường này là một hướng đi chiến lược. Mặt khác, Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ để Azerbaijan tham gia vào thị trường Đông Nam Á, những tổ chức mà Việt Nam là thành viên như ASEAN… và các tổ chức hợp tác kinh tế khác.
Hai nước cũng có tiềm năng và lợi thế phát triển hợp tác đa dạng trong những lĩnh vực truyền thống như giáo dục, khoa học, công nghiệp dầu khí và các lĩnh vực tiềm năng khác như kinh tế biển, logistics, du lịch văn hóa – sinh thái, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao và một số lĩnh vực liên quan đến sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bản địa khác để tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ song phương lên tầm cao mới.