Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh - Bài 3: Diện mạo ngày nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trải 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023), những thành tựu mà tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian vừa qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương và hành động, cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên.
Nhân dân thuộc xã biên giới Bắc Sơn, TP Móng Cái, phấn khởi đi trên con đường mới (2023).
Nhân dân thuộc xã biên giới Bắc Sơn, TP Móng Cái, phấn khởi đi trên con đường mới (2023).

Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh - Bài 1: Khát vọng vươn lên từ những ngày đầu thành lập

Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh - Bài 2: Vững vàng trong giai đoạn đổi mới

Diện mạo ngày nay (2020 - 2023)

Trên quan điểm, mỗi người dân tỉnh Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, chỉ tính riêng 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền.

Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có người dân sinh sống. Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Diện mạo thành thị và nông thôn của tỉnh được thay đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển, đảo.

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt các mục tiêu, như chính trị ổn định, xã hội trật tự, giữ vững kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển, đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Đặc biệt, trong 03 năm 2020 và 2021, 2022, dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, song tỉnh Quảng Ninh vẫn tự lực, tự cường, kiên cường, bằng những quyết sách khoa học, đúng đắn, táo bạo, sát thực tiễn, phát huy hiệu quả, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trở thành một trong số ít những địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch COVID-19, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, vừa thực hiện thành công “mục tiêu kép”.

Với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 đạt 10,28%, GRDP năm 2022 đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt 56.500 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước có số thu nội địa cao; đời sống vật chất, tình thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; giữ vững quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn văn minh; Nhân dân được hưởng cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và huyện Bình Liêu cắt băng khánh thành Trường THPT Bình Liêu (2023).
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và huyện Bình Liêu cắt băng khánh thành Trường THPT Bình Liêu (2023).

Những nỗ lực đó đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong đời sống xã hội, thực sự rất đáng trân trọng, phấn khởi, tự hào, không chỉ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, mà còn đối với chủ trương, mô hình dự án phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo ra khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới, tạo đà để tỉnh Quảng Ninh vững bước trong chặng đường tiếp theo, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Việc đổi mới tư duy nhận thức, xác định phương hướng phát triển, Quảng Ninh đã đưa ra và là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mô hình có tính đột phá như: Mô hình “Dân tin - Đảng cử”; mô hình “Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh”; mô hình “Lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”, “sở hữu công, quản trị tư";… mô hình “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư gắn với thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực và quản lý”; mô hình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; mô hình “vốn hóa” các giá trị văn hóa thành nguồn lực, động lực cho phát triển KT-XH; mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm hành chính công gắn với cải cách hành chính; mô hình thúc đẩy chính quyền số, chính quyền điện tử; mô hình phát triển các đảo ven bờ; mô hình tổ chức trục động lực, mở rộng không gian, hành lang phát triển; mô hình tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới.

Việc thực hiện các mô hình với sự chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, những năm qua, Quảng Ninh luôn là điểm sáng trong phát triển KT-XH của cả nước; cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục được cải thiện. Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, tỉnh Quảng Ninh đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực bằng cách “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.

Tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với cơ cấu lại đầu tư công hằng năm đều đạt trên 53% tổng chi ngân sách địa phương và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 đồng - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó, tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh đô thị hóa với sự định hình rõ nét chức năng đô thị biển và hình thái tổ chức không gian lãnh thổ “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”.

Tỉnh Quảng Ninh tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước nhiều năm liên tục về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Kết quả cụ thể: 6 năm liên tiếp (từ năm 2017-2022) đứng thứ I về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) dẫn đầu toàn quốc trong 5 năm (2017, 2018, 2019, 2020, 2022), đứng thứ 2 năm 2021; 4 năm liên tiếp (2019-2022) xếp thứ 1 trong bảng Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh trở lại đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng PAPI toàn quốc, đây là lần thứ 2 Quảng Ninh đứng ở vị trí cao nhất trong 12 năm tham gia khảo sát PAPI. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực có tính đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển của Quảng Ninh những năm qua. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Tuy nông nghiệp không là ngành kinh tế đóng vai trò chủ đạo ở Quảng Ninh, song phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đã được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2013, Quảng Ninh tiên phong triển khai chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình OCOP của Quảng Ninh trở thành điển hình và được Chính phủ quyết định nhân rộng ra toàn quốc. Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Việt Dân (Đông Triều) đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cắt băng khánh thành công trình trụ sở Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (2023).
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cắt băng khánh thành công trình trụ sở Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (2023).

Tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số; gắn chặt với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện nay, Quảng Ninh đang phát huy cao độ sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, để thực hiện mục tiêu đã đề ra: đến năm 2025, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc, giữ đà tăng trưởng hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người tới năm 2025 đạt trên 10.000 USD.

Trong tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025)./.

Đọc thêm