Kỳ thi THPT Quốc gia 2020: Sẽ giảm tải nội dung

(PLVN) - Về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay, hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vẫn giữ mốc thời gian dự kiến là từ ngày 8 đến 11/8. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Bộ sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia, công bố đề thi tham khảo sau khi có chương trình được tinh giản, giảm tải.
Đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ xây dựng theo chương trình giảm tải. (Ảnh minh họa).
Đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ xây dựng theo chương trình giảm tải. (Ảnh minh họa).

Tích hợp nội dung giao thoa giữa các môn học 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy và học bị gián đoạn, Bộ sẽ tinh giản nội dung năm học 2019-2020 với tất cả các khối lớp, chỉ tập trung vào chương trình học kỳ II.

Theo ông Thành, việc tinh giản chương trình có thể triển khai theo hướng xem xét những kiến thức lặp lại giữa các môn học, các lớp học (nghĩa là những phần kiến thức lặp lại ở mức cao hơn so với năm học trước).

Việc tinh giản sẽ tính toán đến kiến thức ở lớp dưới đã học thì sẽ cắt đi ở lớp trên. Khi học sinh đã nắm được kiến thức cơ bản ở lớp dưới, các thầy cô chỉ hướng dẫn cho các em tham khảo tự học; vừa tiết kiệm được thời gian trên lớp, vừa đảm bảo chương trình năm học.

Việc tinh giản chương trình cũng sẽ lấy chương trình giáo dục làm cơ sở, từ đó rà soát các nội dung trong sách giáo khoa môn học. Với những nội dung vận dụng nâng cao vượt quá chuẩn thì sẽ được tinh giản. Chỉ dạy học ở ba mức độ đọc - hiểu - vận dụng thấp nhằm giảm bớt thời lượng môn học, đảm bảo cho học sinh hoàn thành chương trình năm học trước ngày 15/7.

Ngoài ra, Bộ cũng đang tính toán tinh giản theo hướng tích hợp những nội dung giao thoa giữa các môn học như môn Khoa học - Công nghệ, môn Lịch sử - Địa lý… Những nội dung này sẽ thiết kế để tổ chức tích hợp vào một môn chủ đạo và chỉ bổ sung yêu cầu cần đạt ở những môn còn lại, không dạy lặp lại kiến thức đó nữa.

Như vậy, sẽ tiết kiệm được lượng thông tin, tiết kiệm được đối tượng nghiên cứu khảo sát cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình”, ông Thành cho hay.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết, Bộ chủ trương chỉ tinh giản về mặt nội dung, không giảm về yêu cầu đạt được của học sinh theo chương trình giáo dục. Nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản. Đảm bảo thống nhất chung trong toàn quốc, không phụ thuộc vào từng trường như trước kia. Những nội dung được tinh giản, chắc chắn sẽ không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá, thi cử.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm, Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh việc triển khai rà soát dự kiến trong tháng 3 sẽ phải hoàn thành công bố phương án giảm tải để áp dụng khi nhà trường mở cửa trở lại, hy vọng khi tháng 4, dịch bệnh đẩy lùi, học sinh sẽ trở lại trường.

Đánh giá thường xuyên chất lượng dạy học trực tuyến

Tại Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 trong trường học được Bộ GD-ĐT tổ chức tại 64 điểm cầu vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá trong giai đoạn hiện nay, hình thức dạy học trên internet, truyền hình là giải pháp tình thế cần áp dụng rộng rãi.

Phần đa ý kiến các sở đều đồng tình việc cắt giảm chương trình, học đến đâu, thi đến đó. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ, việc dạy học trên truyền hình cần có sự thống nhất về nội dung trên cả nước để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM thì kiến nghị có thông tư quy định cụ thể việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho cấp học phổ thông. Các quy định của Bộ cần bao quát được cả nhóm học sinh bị khó khăn trong học tập trực tuyến.

“Hiện tại TP HCM, 100% trường thực hiện dạy học trên internet, trên truyền hình, nhưng số lượng học sinh tham gia còn chưa cao, khoảng 70-80%, riêng vùng khó khăn chỉ khoảng 60% học sinh tham gia. Do đó, tôi hoàn toàn nhất trí quan điểm của Bộ là phải bố trí thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức đã dạy qua internet, trên truyền hình cho học sinh khi các em quay trở lại trường”, ông Hiếu nói.

Lãnh đạo một số Sở GD-ĐT kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia giảng dạy qua internet, trên truyền hình trong giai đoạn này; hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục tư thục để duy trì được hoạt động.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi.

Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các đài truyền hình để tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng phát sóng các chương trình dạy học. Các bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ được kiến thức.

Do khối lượng bài giảng cho các môn học của các khối lớp là rất lớn (120 môn) nên Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị các Sở GD-ĐT cung cấp các bài giảng trên truyền hình để Bộ tổng hợp, lựa chọn phát sóng miễn phí trên các kênh truyền hình cho học sinh.

Đối với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh học qua internet, trên truyền hình, để đảm bảo công bằng cho học sinh, Bộ GD-ĐT thống nhất ý kiến việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các nhà trường khi học sinh đi học trở lại.

Đối với việc đánh giá thường xuyên, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách các môn học trực tiếp giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua nhiều hình thức như: Sản phẩm học tập, kết quả thực hành thí nghiệm…

Việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình phải đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực, vì quyền lợi của học sinh. Khi đáp ứng các điều kiện này, kết quả đánh giá được công nhận theo quy định hiện hành.

Liên quan đến việc tinh giản chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT đã thành lập các tiểu ban và đang khẩn trương thực hiện để trong tháng 3 này ban hành hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai thực hiện.

Mục tiêu là giảm được từ 5-7 tuần so với chương trình hiện nay để đến 15/7 là kết thúc năm học. Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2020, Theo Bộ GD-ĐT, mức xử lý đối với thí sinh vi phạm quy chế thi sẽ quyết liệt hơn so với các năm trước. Bộ GD-ĐT quyết định áp dụng bổ sung quy định nếu “thí sinh bị đình chỉ sẽ bị huỷ toàn bộ kết quả các bài thi trong kỳ thi năm đó”.

Đọc thêm