Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2024: Thấy gì từ đề thi tham khảo vừa công bố?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Về đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố, nhiều giáo viên nhận định, cấu trúc và nội dung của các đề thi tương đối ổn định so với đề thi tốt nghiệp THPT 2023.
Thí sinh trong ngày hội Tư vấn Tuyển sinh tại Hà Nội. (Ảnh: PV)
Thí sinh trong ngày hội Tư vấn Tuyển sinh tại Hà Nội. (Ảnh: PV)

Đề thi có tính phân loại cao để xét tuyển đại học

Đây là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định như năm 2023, không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của học sinh...

Theo các thầy cô Tổ Khoa học Tự nhiên của Hệ thống giáo dục HOCMAI, bài thi gồm 3 môn thi thành phần là Vật lí, Hóa học và Sinh học. Mỗi môn thi gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút, tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD&ĐT đã công bố; không có câu hỏi thuộc nội dung đã được tinh giản trong chương trình học của học sinh. Các câu hỏi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 90% số câu hỏi trong đề thi), còn lại là phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70 - 75% số câu hỏi thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, 25 -30% số câu hỏi còn lại thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm ôn tập. Với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6 - 7 một cách dễ dàng. Tuy nhiên, để sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào việc xét tuyển vào các trường ĐH, nhất là các trường ĐH top đầu, thí sinh cần nỗ lực học tập và chuẩn bị kĩ càng, nắm vững các kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng phân tích và tư duy giải quyết vấn đề, tìm tòi và mở rộng hiểu biết về các ứng dụng thực tế để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Đối với môn Toán, thầy Lưu Huy Thưởng đánh giá: Đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây. Các câu hỏi trong đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (khoảng 90%) và khoảng 10% thuộc chương trình lớp 11. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 đều là các dạng quen thuộc mà học sinh đã được làm quen và tiếp cận thuộc các chủ đề dãy số, tổ hợp, xác suất, góc và khoảng cách trong không gian. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12 trải đều 7 chủ đề của chương trình. Về độ khó, đề thi năm nay tương đương với đề tốt nghiệp năm 2023. Trong đó 38 câu đầu tiên là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết - thông hiểu. Học sinh chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết; 5 câu hỏi cuối mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12. Theo đó, học sinh cần lưu ý, các câu hỏi thuộc phần vận dụng cao giữa đề tham khảo và đề thi thật có thể thay đổi về dạng toán và độ khó. Vì vậy, với những học sinh đặt mục tiêu 9+ đề tốt nghiệp, ngoài việc luyện tập chăm chỉ với các dạng bài trong đề tham khảo thì cần mở rộng phạm vi với các dạng toán vận dụng cao khác, không có trong đề tham khảo.

Thí sinh yên tâm ôn tập

Đối với môn Ngữ văn, cô Vương Thúy Hằng phân tích, đề thi tham khảo giữ nguyên cấu trúc 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn, các câu hỏi đi kèm ngữ liệu không thay đổi về số lượng. Đặc biệt ở phần Làm văn (7 điểm), đề tham khảo cũng giữ nguyên cấu trúc đề thi với 2 câu hỏi để đánh giá kiến thức, kỹ năng của thí sinh trong việc viết đoạn văn nghị luận xã hội và viết bài văn nghị luận văn học.

Từ việc phân tích đề tham khảo, cô Hằng cho rằng, cấu trúc, ngữ liệu và nội dung hỏi trong đề thi tương đối quen thuộc, không hề khó. Nếu có quá trình ôn luyện tốt, nắm vững các yêu cầu về việc đọc - hiểu văn bản văn học, kỹ năng viết bài văn nghị luận, các thí sinh dễ dàng đạt được 7,5 - 8,25 điểm.

Do đó, với học sinh sinh năm 2006, đây có lẽ là sự thuận lợi vì các em sẽ không quá lo lắng cho kì thi tốt nghiệp mà có thể dành nhiều thời gian hơn cho những kì thi tuyển sinh, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đang được triển khai.

Ở môn Ngoại ngữ, cụ thể là Tiếng Anh, các giáo viên Tổ Tiếng Anh, Hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá, đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023, không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh. Trong đó có khoảng 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng nâng cao, thành ngữ và đọc hiểu. Các câu hỏi ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai… là các kiến thức quen thuộc, xuất hiện nhiều trong chương trình học THPT lớp 12, tuy nhiên câu hỏi về thành ngữ vẫn là câu hỏi để lấy điểm cao (câu 11, 17, 25), yêu cầu học sinh cần có vốn từ phong phú.

Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm ôn tập. Với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, thí sinh nắm chắc sách giáo khoa có thể đạt 7 - 8 điểm. Với các thí sinh mong muốn đạt mức 9 - 10 điểm để xét tuyển vào các trường ĐH, nhất là các trường ĐH top đầu, thí sinh cần có vốn từ vựng và thành thạo các phạm trù khó như từ vựng và đọc hiểu.

Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo chương trình GDPT năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của chương trình GDPT 2018.

Ở góc độ khác, thầy Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ: Một trong những điều lưu ý là yếu tố tâm lý rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Kinh nghiệm cho thấy nếu học sinh học tốt nhưng hay hồi hộp, lo lắng và căng thẳng thì kết quả không đạt như mong muốn. Các em học sinh hãy tự tin vào bản thân mình vì có tới gần 38 câu thuộc phần kiến thức nhận biết và thông hiểu nên không phải lo lắng mà tạo cho mình một niềm tin trước khi bước vào kỳ thi.

Để học sinh khỏi vất vả và phụ huynh đỡ lo lắng, mong muốn của thầy Nguyễn Quang Thi cùng với nhiều đồng nghiệp là các trường đại học nên dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển mà không cần kỳ tuyển sinh riêng, vì đề thi rất chất lượng và có tính phân loại cao từng đối tượng học sinh. Hiện nay, các em học sinh lớp 12 buổi sáng thì học chính khóa, buổi chiều tham gia ôn thi tốt nghiệp, còn buổi tối lại đi ôn thi theo đề thi riêng của các trường đại học. “Vì đề thi riêng một số trường đại học không giống như cấu trúc đề thi tốt nghiệp nên dẫn đến căng thẳng cho học sinh. Phụ huynh nào có con đang học lớp 12 thì thấu hiểu và thương cho con mình vất vả”, thầy Nguyễn Quang Thi bày tỏ.

Đọc thêm