Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được 'nâng cấp'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đề cập tới một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu (Ảnh: Bộ GD&ĐT)
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Ngày 31/10, tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: "Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm nhưng tựu chung lại giai đoạn vừa qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận".

Nhìn nhận một số kết quả cụ thể trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn vừa qua, Thứ trưởng đề cập tới 5 kết quả. Đó là, công tác lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, toàn diện; công tác phối hợp thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả; công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy chế; công tác truyền thông chủ động, kịp thời.

“Chúng ta đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi, không để thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hay đi lại không thể dự thi. Càng ở các địa phương khó khăn, càng cho thấy sự chăm lo của toàn xã hội cho Kỳ thi”, Thứ trưởng nói, đồng thời khẳng định, cả giai đoạn vừa qua, các thầy cô giáo, tất cả các lực lượng đã vì học sinh mà tạo các điều kiện thuận lợi nhất.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc 2 năm gần đây Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thực hiện khá tốt yêu cầu, nguyên tắc 4 đúng - 3 không. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.

Thẳng thắn đề cập tới một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 ở các khâu ra đề, in sao đề thi, coi thi…, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.

“Năm nay cả xã hội quan tâm hơn rất nhiều tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT vì là năm đầu thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh, giáo viên, phụ huynh, cả xã hội chờ đợi. Chúng ta đang làm việc chăm lo cho kỳ thi cũng là nhiệm vụ nặng nề, quan trọng của ngành trong năm 2025”, chia sẻ điều này, Thứ trưởng đề nghị: Mọi năm đã chu đáo rồi năm nay phải chu đáo hơn, mọi năm đã chuẩn bị kỹ lưỡng rồi năm nay phải kỹ lưỡng hơn. Tất cả các công tác phải nâng cấp độ lên, từ chỉ đạo, chuyên môn đến kiểm tra, thanh tra trước, trong, sau Kỳ thi.

Đặt ra yêu cầu cụ thể cho từng đơn vị của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng cũng mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan trung ương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức Kỳ thi, các địa phương tiếp tục vào cuộc hiệu quả, trách nhiệm. Các Sở GD&ĐT chỉ đạo tổ chức hoạt động chuyên môn ở các nhà trường bám sát yêu cầu kiểm tra, đánh giá thường xuyên; đồng thời quan tâm lựa chọn cử giáo viên có trình độ, năng lực tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề không chỉ đề thi mà cả đề kiểm tra, đánh giá.

“Đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025, với yêu cầu tổ chức Kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thống kê số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT qua các năm: Năm 2020 là 900.152 thí sinh; năm 2021 là 1.021.340; năm 2022 là 1.002.432; năm 2023 là 1.012.398; năm 2024 là 1.071.393.

Đọc thêm