Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập ở Hà Nội: Phòng, chống gian lận trong việc sử dụng thiết bị công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm nay - 7/6, hơn 106.000 thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập ở Hà Nội sẽ làm thủ tục dự thi. Thí sinh làm ba bài thi Văn, Ngoại Ngữ, Toán vào hai ngày 8 - 9/6. Chỉ khoảng 62% chỉ tiêu vào công lập, nên áp lực của kỳ thi này hàng năm được đánh giá còn “nóng” hơn cả tuyển sinh đại học…
Tuyển sinh vào lớp 10 công lập hàng năm được đánh giá là một trong những kỳ thi “nóng” tại Hà Nội. (Ảnh minh họa. Nguồn: Đ.N)
Tuyển sinh vào lớp 10 công lập hàng năm được đánh giá là một trong những kỳ thi “nóng” tại Hà Nội. (Ảnh minh họa. Nguồn: Đ.N)

Thí sinh cần lưu ý xem kỹ đề thi

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 có trên 117.000 lượt thí sinh đăng ký tham gia dự thi. Trong đó có gần 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập; hơn 11.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên; hơn 250 lượt thí sinh dự thi song bằng. Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các THCS, THPT trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. Sở GD&ĐT cũng huy động hơn 600 cán bộ làm công tác thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT có sự cạnh tranh rất lớn, có nguy cơ thí sinh, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi. Do đó, Hà Nội áp quy định chặt chẽ trong tất cả các khâu tổ chức kỳ thi như: ra đề, in sao đề thi, coi thi, chấm thi.

Theo ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT, đối với giáo viên, khi vào khu vực thi phải gửi toàn bộ thiết bị điện thoại, điện tử có chức năng thu phát thông tin. Điểm thi bố trí nơi lưu trữ và trả lại cho cán bộ, giáo viên khi kết thúc ngày thi. Các điểm thi bố trí phòng thi dự phòng ở tầng 1, gần phòng y tế để trường hợp có thí sinh không may có vấn đề sức khỏe phải thi ở phòng này. Quy định thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi, khu vực thi khi hết 2/3 thời gian làm bài môn tự luận và hết hoàn toàn thời gian đối với môn trắc nghiệm. Thí sinh rời phòng thi sớm đối với môn thi tự luận sẽ được thu hết giấy nháp, đề thi, bài thi nhằm hạn chế nguy cơ lộ, lọt đề thi ra ngoài.

Điểm mới của đề thi năm nay là ngoài túi đề thi, mỗi điểm thi còn có thêm túi đựng đề thi bản chính thức được niêm phong cẩn thận. Túi này chỉ được bóc ra sau 5 phút, kể từ khi tính thời gian làm bài và trong trường hợp thí sinh có thắc mắc về đề thi để đối chiếu. Theo đó, Hà Nội bổ sung túi đề thi chính thức này nhằm khắc phục tình trạng lỗi đề như đề mờ, mất nét khiến thí sinh băn khoăn, hiểu nhầm như kỳ thi năm ngoái. Quy chế thi quy định sau khi phát đề, trong vòng 5 phút thí sinh kiểm tra kỹ đề thi, nếu phát hiện đề rách, mờ, lỗi phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi xử lý. Sau 5 phút, thí sinh phải tự chịu trách nhiệm. Cán bộ coi thi cũng được quán triệt nội dung nhắc nhở thí sinh kiểm tra kỹ đề thi trước khi làm bài.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm học trước từng gặp sự cố hy hữu trong việc sao in đề thi. Tại ý 1 câu III của môn Toán, ở một số đề thi, dấu gạch ngang của phương trình bị mờ, không liền mạch, khiến nhiều thí sinh lầm tưởng là dấu âm, nên làm nhầm, cho ra kết quả khác với nhiều thí sinh. Do đó, có khoảng 40 thí sinh gặp sự cố này. Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, Hội đồng ra đề đã bổ sung đáp án câu này, chấp nhận cả đáp án của những thí sinh nhìn nhầm đề nếu các bước giải đúng.

Về tình huống thí sinh quên giấy tờ tùy thân, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định sẽ linh động giải quyết theo hướng thuận lợi nhất cho thí sinh. Các em chỉ cần ký vào bản cam kết, có xác nhận của cán bộ điểm thi và sẽ được làm bài thi bình thường. Việc đối chiếu, xác minh sẽ thực hiện sau buổi thi. Thí sinh cũng cần lưu ý về thời gian nghỉ trưa trong ngày thi mùng 8/6 (sáng thi Văn, chiều thi Ngoại ngữ), đã có nhiều trường hợp đáng tiếc khi các em ngủ quên, đến thi muộn là lỡ dở một kỳ thi…

Cảnh báo các vật dụng gian lận thi

Tại Hội nghị hướng dẫn coi thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 của Hà Nội, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng PA06, Công an Thành phố Hà Nội đã lưu ý một số thiết bị công nghệ cao mà thí sinh, phụ huynh có thể sử dụng để gian lận thi. Thực tế, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận thi cử không chỉ diễn ra đối với thí sinh mà còn diễn ra với cả giáo viên và phụ huynh. Trong đó, đối với thí sinh, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận trong thi cử thường được thực hiện thông qua các thiết bị điện tử tinh vi như tai nghe siêu nhỏ liên kết với một thiết bị có gắn sim điện thoại hỗ trợ cuộc gọi. Hơn nữa, thiết bị được thiết kế ngụy trang dưới nhiều dạng vật dụng gồm: thẻ ATM, kính mắt, bút viết, đồng hồ thông minh, cúc áo, vòng đeo tay…

Đối với giáo viên và phụ huynh, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ có thể được sử dụng ở tất cả các khâu của kỳ thi nhằm cố ý can thiệp bất hợp pháp vào hệ thống máy tính; thu thập thông tin về đề thi từ khâu làm đề thi, in sao đề thi, quá trình vận chuyển đề thi, bài thi; đánh tráo bài thi, sửa đổi thông tin, số liệu, điểm thi trong quá trình chấm thi...

Những năm trước dù trước đó thầy cô và cán bộ coi thi nhắc nhở, lưu ý nhiều nhưng khi kỳ thi diễn ra, vẫn có thí sinh bị lập biên bản vì mang điện thoại di động vào phòng thi hoặc sử dụng các thiết bị thu phát, gian lận trong phòng thi bị phát hiện. Vì vậy, nhà trường và giáo viên cũng cần đặc biệt lưu ý, nhắc nhở học sinh về danh mục các vật dụng cấm mang vào phòng thi, gồm: giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong khi làm bài thi.

Tại TP HCM, hôm qua (6/6), hơn 98.000 học sinh lớp 9 bước vào ngày thi đầu tiên để tranh suất vào lớp 10 công lập năm học 2024 - 2025. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP HCM, có hơn 260 thí sinh đã vắng thi môn Văn trong sáng 6/6, do bị ốm, gặp sự cố hoặc không muốn dự thi. Những thí sinh này coi như bị điểm liệt và mất cơ hội vào lớp 10 các trường công năm nay.

Một số điểm thi ghi nhận thí sinh đến muộn so với giờ tập trung. Các em nhanh chóng được giáo viên hướng dẫn lên phòng thi để kịp giờ làm bài.

Kỳ thi năm nay được đánh giá khá “dễ thở” hơn những năm trước ở những lớp thường nhưng sẽ căng thẳng hơn ở lớp chuyên. Gần ngày thi, Sở GD&ĐT TP HCM đã quyết định tăng 5.535 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 tại 62 trường THPT công lập. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 ở TP HCM là 77.355 học sinh (chỉ tiêu ban đầu là 71.820 học sinh). Việc tăng chỉ tiêu này đã giúp “hạ nhiệt” căng thẳng ở nhiều khu vực.

Điều đặc biệt của mùa tuyển sinh lớp 10 ở TP HCM năm nay là Sở GD&ĐT TP HCM đã ra thông báo sau khi có kết quả thi vào lớp 10 và sau khi các trường THPT nhận hồ sơ nhập học lớp 10, sở sẽ xem xét tình hình và sẽ có quyết định về việc tuyển sinh bổ sung. Như vậy, các thí sinh sẽ có thêm một cơ hội nữa để có thể vào học lớp 10 công lập.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào 2 ngày 5 và 6/6/2024 với 3 môn thi là Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán.

Tại Nghệ An, hôm qua là ngày thi cuối cùng của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Năm nay, toàn tỉnh có hơn 44.000 thí sinh đăng ký dự thi vào các trường công lập. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Nghệ An năm học 2024 - 2025 là kỳ thi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất từ trước đến nay, với hơn 44.000 thí sinh, tăng hơn 7.000 thí sinh so với năm học trước. Trong khi đó, chỉ tiêu công lập ở các trường chỉ hơn 36.000 em (bao gồm các trường chuyên và trường năng khiếu thể dục thể thao của tỉnh) nên tỷ lệ “chọi” được đánh giá khá căng thẳng.

Đọc thêm