Kỳ tích từ ý chí và khát vọng độc lập

(PLVN) - Đường Trường Sơn, tuyến đường chiến lược chi viện miền Nam thời chống Mỹ, khởi đầu tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An) qua 11 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và kết thúc tại Bình Phước. Ra đời đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1959, tuyến đường này là một kỳ quan, kỳ tích của dân tộc Việt và mang đậm dấu ấn quân sự tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đường Trường Sơn là một kỳ quan, kỳ tích của dân tộc Việt Nam.
Đường Trường Sơn là một kỳ quan, kỳ tích của dân tộc Việt Nam.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Đầu tháng 5/1959, Tướng Giáp về Quảng Bình nhưng không chỉ việc thăm quê. Chăm chú nhìn tấm bản đồ tỷ lệ 1/100.000 được lãnh đạo tỉnh mở ra, Đại tướng liên tục đưa ra những câu hỏi về các tuyến đường ở tỉnh, đặc biệt là sâu trong đại ngàn Trường Sơn.

Báo cáo với Đại tướng, ông Trần Sự (nguyên Tỉnh đội trưởng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) chỉ ra rạch ròi các tuyến thượng đạo hiểm trở chạy ven đồi núi phía Tây Quảng Bình nối xuyên ra hướng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Quan trọng bậc nhất có sẵn là đường 15A (phần lớn là nền cũ của đường Hồ Chí Minh ngày nay).

Thực hiện Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ thị từ Đại tướng, từ tháng 5/1959, QK4 và Quảng Bình tập trung lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến nâng cấp, tu sửa các tuyến đường có sẵn. Cùng với đó, nhiều tuyến khác nối QL1A lên phía Tây Nam hướng vào Quảng Trị, Đường 9 như từ Thạch Bàn (huyện Lệ Thủy) vào Khe Hó (phía Tây huyện Vĩnh Linh); đường 16 từ Thạch Bàn vào Bang, đến Vít Thù Lù, tới Làng Ho, vượt đèo 1.001, qua sông Bến Hải… được mở thêm.

Đầu 1960, đường 15A cơ bản được khôi phục, nâng cấp xong. Phương tiện cơ giới chạy suốt từ Hòa Bình qua Thanh - Nghệ - Tĩnh đến Quảng Bình.

Tháng 5/1961, Tướng Giáp trở lại Quảng Bình, làm việc với Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng Ty GTVT. Sau khi kiểm tra thực địa, Đại tướng quyết định: “Đường 15A thông xe rồi, địch sẽ quấy rối mạnh, ta phải có đường vượt qua Trường Sơn vào Đường 9”.

Sau chuyến đi này, Đại tướng tiếp tục có quyết sách táo bạo “chọc thủng Trường Sơn” về chiều Đông sang Tây, mở đường 20 nối sang đất bạn Lào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lực lượng bộ đội và TNXP trên đường 20 Quyết Thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lực lượng bộ đội và TNXP trên đường 20 Quyết Thắng.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (nguyên Chính ủy Công binh Trường Sơn), nhớ lại: “Đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình là hệ thống gồm các tuyến dọc Bắc - Nam và những tuyến “rọc ngang” sang đất bạn Lào. Một trong những tuyến “rọc ngang” là đường 12A, từ ngã ba Khe Ve vượt Cổng Trời lên Cha Lo đến tỉnh Khăm Muộn (Lào), là tuyến vận tải cơ giới đầu tiên thuộc hệ thống. Qua phía Lào, tuyến cơ giới chia làm hai nhánh”.

Khi bộ đội Trường Sơn chuyển phương thức vận tải sang cơ giới, tháng 5/1965, máy bay địch tăng cường tần suất đánh phá hòng cắt đứt và gây những thiệt hại nặng về người, phương tiện, hàng hóa.

Trong một số cuộc họp, có ý kiến nên dừng vận tải cơ giới. Tướng Giáp cương quyết: “Chúng ta không có lựa chọn nào khác trong khi yêu cầu của chiến trường miền Nam ngày càng lớn. Phải sử dụng mọi biện pháp tổng hợp, từng bước phát triển vận tải cơ giới đường bộ, đường sông là chủ yếu; đồng thời, tùy tình hình cụ thể từng nơi, từng lúc mà kết hợp vận chuyển thô sơ”. Đại tướng đề ra phương châm: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Thiếu tướng Tuấn khẳng định: “Phương châm đó của Đại tướng như tiếp thêm sức mạnh giúp bộ đội Trường Sơn tạo ra bước đột phá mới trong công tác tổ chức, vận chuyển trên toàn tuyến”.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, khẳng định: “Để có được mỗi mét đường xuyên Trường Sơn, phải hội tụ trí lực toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Với chúng tôi, anh Văn (Tướng Giáp – NV) là “kiến trúc sư chính” của tuyến đường”.

Những chiến binh gang thép trên đường 20 Quyết Thắng

Đường 20 Quyết Thắng là một con đường đặc biệt thuộc hệ thống đường mòn Trường Sơn. Để xẻ ngang dãy Trường Sơn hùng vĩ, mở 125km đường giữa hoàn cảnh thiếu nhân, vật lực và bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt, bộ đội, công binh, TNXP của ta chỉ mất 97 ngày đêm.

Đường 20 khởi đầu từ Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chạy qua Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, kết thúc khi giao đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm trên đất Lào.

Tham gia mở đường cùng công binh, bộ đội ngày ấy còn có TNXP: Đội 25 Hà Nam, Đội 23 Hà Tĩnh, Đội 4 Ninh Bình, Đội 3 Quảng Bình, Đội 8 Thái Bình - Hà Tây, về sau còn có lực lượng TNXP nhiệm kỳ 2 từ Thanh Hóa.

Tháng 5/1966, khi cuộc chiến vào lúc ác liệt, máy bay Mỹ phát hiện ra đường 20. Con đường trở thành “tọa độ lửa” khốc liệt, là nơi thử thách ý chí, bản lĩnh kiên cường.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy hồi ức: “Giai đoạn 1950 - 1952, tôi là Tỉnh đội trưởng, Phó Bí thư Quảng Bình. Từ tháng 3/1967 – 9/1968, là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân. Do yêu cầu chiến trường miền Nam, tháng 5/1971, tôi được điều vào Nam làm Chính ủy Đoàn 470 phụ trách các tuyến đường từ Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đến Nam Bộ. Hành quân đến Bộ Tư lệnh Đoàn 559, gặp Trung tướng Nguyên, tôi ở lại với bộ đội Trường Sơn, giữ chức Phó Tư lệnh Đoàn 559 kiêm phụ trách Tổng cục Hậu cần tiền phương...”.

Một đoạn cua chữ A bị bom đạn Mỹ đánh phá.

Một đoạn cua chữ A bị bom đạn Mỹ đánh phá.

Tướng Hy nhớ lại: “Nhiều trọng điểm, bom đạn Mỹ bắn phá san phẳng thành bình địa. Nhưng bộ đội, TNXP vẫn không ngại gian khổ, hy sinh, kiên cường giữ chốt, “một tấc không đi, một ly không rời”, san lấp hố bom, mở đường, phá bom nổ chậm”.

Bà Lê Thị Phương Thảo (cựu TNXP thuộc C5, Đội TNXP 25 Hà Nam), kể: “C5 phụ trách cua chữ A. Cả một vùng rừng núi trơ trốc tan hoang vì bom Mỹ chà đi xát lại. Tôi còn nhớ ngày Đại tướng đến thăm đơn vị, C5 hứa bằng mọi giá giữ cua chữ A luôn thông suốt. Và C5 đã giữ trọn lời thề: “Máu C5 có thể đổ nhưng đường C5 không thể tắc. Quyết tử cho cua chữ A”.

Trên đường 20, đèo Phu La Nhích bị máy bay Mỹ đánh phá gần 10.000 lần, trong đó khoảng 2.450 lần B52. Mỗi bộ đội, TNXP chốt giữ tại đây hứng chịu bình quân khoảng… 1.900 quả bom các loại. Tháng 3/1973, khi đến thăm trọng điểm Phu La Nhích, Đại tướng dành tặng danh hiệu “Trung đội thép” cho 38 nữ công binh B3, C3, D33, Binh trạm 14, Đoàn 559. Đại tướng khẳng định: “Chỉ có ý chí gang thép mới trụ được trên trọng điểm này”.

Với quyết tâm bảo vệ tuyến đường Trường Sơn theo phương châm “địch đánh phá ngăn chặn, ta đánh địch mở đường”, “địch phá 1, ta làm 10”, những đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn không ngừng đưa hàng lên phía trước để miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất hai miền.

Hồi ức về lần gặp Đại tướng tại trọng điểm đèo Phu La Nhích, bà Dương Thị Trình (nữ công binh B3) bồi hồi: “Khi đang cùng với chị em san lấp hố bom trên đèo, chúng tôi được gặp Đại tướng vào thăm bộ đội Trường Sơn, thăm “tọa độ lửa” Phu La Nhích. Gặp Trung đội, Đại tướng ân cần thăm hỏi, động viên, biểu dương tinh thần dũng cảm của toàn thể đơn vị. Lần ấy, Đại tướng hỏi các TNXP cần gì nhất? Tất cả ngại ngùng trả lời: “Chúng cháu cần nhất là xà phòng, bồ kết và vải màn. Con gái, thiếu những thứ này, khổ lắm. Khổ hơn phá bom nổ chậm, hơn san lấp hố bom, hơn cả đánh giặc Mỹ xâm lược””.

Sau cuộc gặp gỡ chừng nửa tháng thì đơn vị nhận được quà. Nào là xà phòng, vải màn, bồ kết... “Cả trung đội reo hò mừng rỡ, nhiều chị em xúc động khóc rưng rức. Bất ngờ quá khi Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trăm công ngàn việc, lo quyết sách lớn, chỉ huy các chiến dịch, vẫn nhớ đến chúng tôi, những cô gái bám trụ trên đèo Phu La Nhích”.

Đọc thêm