Từ huyện Quang Bình của tỉnh Hà Giang, phải đi xe máy trên những cung đường ngoằn ngoèo mới đến Đèo Gió của huyện Xín Mần. Vượt qua những cung đường toàn là dốc cao hiểm trở đường nhiều đá hộc, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, xe máy nhiều phen chồm lên như ngựa bất kham. Vất vả lắm rồi cũng lên được lưng đèo, đúng như tên gọi đèo toàn là gió. Trên đỉnh Đèo Gió, khách được ngắm những thửa ruộng bậc thang, cùng những ngôi nhà sàn bình dị của đồng bào dân tộc Tày, Nùng… Khung cảnh chỉ có những hoang sơ, kỳ bí giữa núi non trùng điệp.
Đứng trên đỉnh Đèo Gió, người ta còn được ngắm những làn sương mây mờ mờ, len xuống phủ kín cả con đường. Mây quấn lấy chân người, dường như mọi sự mệt nhọc của một buổi sáng cũng tan theo những đám mây mờ mờ trăng trắng.
Tiếp tục xuôi theo con đường, khu rừng nguyên sinh lại hiện ra trước mặt, gợi biết bao điều kỳ thú, nghe như những vũ điệu hoang vu lạnh lẽo nơi núi rừng. Giai điệu ấy là một bản tình ca hợp xướng của chim, của tiếng suối chảy, những tiếng lao xao, rì rào của lá cây… Và ở đó còn gắn liền với một câu chuyện tình huyền thoại về người con gái Nùng xinh đẹp yêu con trai Thần rừng, rồi hóa thành thác.
Người dân ở thôn Ngàm Lâm cho biết, danh lam thắng cảnh có tên Thác Tiên - Đèo Gió (hay còn gọi là Văng Táng Tinh, văng là vực, táng tinh là con vật giống con kỳ nhông dạng con rồng, nghĩa là vực rồng). Các cụ già ở trong bản kể rằng, xưa kia ở trong bản này có một người con gái Nùng xinh đẹp. Nước da của nàng trắng như mầm măng bóc, khiến bao trai làng thầm yêu, trộm nhớ.
Trong những lần đi hái măng, cô gái tình cờ gặp con trai Thần rừng rồi đem lòng yêu mến. Tình yêu giữa người con trai Thần rừng và cô gái trở nên thắm thiết... Trái tim của nàng đã một lòng dành trọn tình yêu, trao thân gửi phận cho chàng. Tuy nhiên, mối tình đẹp đẽ đó đã bị Thần rừng ngăn cản. Do lời nguyền của dòng nước nên cô gái bị hóa thân vào núi đá. Mái tóc của cô gái đã hóa thành dòng nước trắng xóa mềm mại. Cũng kể từ đó người dân ở trong vùng gọi đó là dòng Thác Tiên. Cũng có nhiều người cho rằng, dòng thác này xưa kia chỉ dành riêng cho các nàng tiên, mỗi khi giáng trần, các nàng tiên thường bay về đây để tắm mát.
Do dòng thác giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, nên hàng năm có rất nhiều đoàn khách du lịch họ đổ về đây khám phá. Đến đây du khách có thể đằm mình xuống dòng suối mát lạnh của xứ thần tiên. Đến với chốn “bồng lai tiên cảnh” này, dường như mọi sự lo âu buồn phiền cũng sẽ hòa tan theo dòng nước mát. Đến đây khách du lịch sẽ cảm thấy thoải mái và thư thái trong lòng, vì sẽ được hòa mình cũng bản nhạc của núi rừng, đó là tiếng chim, tiếng nước chảy róc rách…
Thác Tiên - Đèo Gió nằm trong khu vực rừng già nguyên sinh, diện tích 3.947ha. Bên hai bờ suối là những khu rừng trúc, vầu tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Hệ thực vật nơi đây vô cùng phong phú với các loại cây như: sến, táu, dổi, de kháo, song, mây... Ngay cạnh con đường đi xuống gần cổng Thác Tiên còn có một cây sến khoảng 500 tuổi, rất cao, đường kính trên 2m.
Đường xuống Thác Tiên đi qua bạt ngàn những cánh rừng trúc, vầu |
Trong rừng còn có nhiều loài động vật quý hiếm như: hổ, báo, gấu, hươu, nai, hoẵng, sơn dương, sóc bay, lợn rừng, cầy hương, gà rừng… Và vô số các loại chim quý như: họa mi, chào mào, cắt, én đỏ, én xanh, én vàng... tạo nên một môi trường sinh thái đa dạng cho khu vực. Chính điều đó đã góp phần tạo cho cảnh quan nơi đây vừa nguyên sơ vừa thơ mộng, trữ tình.
Thác Tiên có lưu lượng nước khá ổn định, cung cấp và điều hòa nước tưới tiêu cho nhân dân sống ở quanh vùng, còn là nơi phòng hộ đầu nguồn. Dòng thác đổ từ trên cao xuống khoảng 12m tạo thành một vực nước sâu 4 - 5m, rộng hơn 150m2. Gần giữa vực nước có một tảng đá lớn nổi lên, tựa như một ốc đảo, du khách có thể nghỉ ngơi, ngắm cảnh, chụp ảnh trong làn sương tự nhiên của dòng thác. Phía ngoài là một cây cầu, du khách cũng có thể đứng ngắm trực diện dòng thác.
Cũng theo người dân nơi đây, ngọn thác được hình thành bởi dòng suối có tên gọi là Tả Nán, được bắt nguồn từ dãy núi đá vôi của xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Suối Tả Nán có chiều dài khoảng 20km, chảy qua địa phận các thôn Ngam Lâm, Nấm Chiến, Tân Sơn, Thống Nhất, Nấm Chanh của xã Nấm Dẩn, sau đó ra sông Chảy và nhập vào ngã ba của cầu treo thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần. Địa phận của Thác Tiên có độ cao trên 1.315m so mới mực nước biển. Thác Tiên - Đèo Gió được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm.
Cách đó không xa là bản làng của người Nùng vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán người bản địa, với điệu hát lượn nồng nàn lôi cuốn lòng người, cùng những câu chuyện huyền thoại, gắn liền với tên đất, tên làng. Trong làng ai cũng biết huyền thoại về chuyện tình Thác Tiên.
Thác Tiên là tài sản của cộng đồng, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc ở trong vùng. Thác Tiên gợi vẻ đẹp mềm mại tựa như mái tóc của các cô gái đang ở độ tuổi trăng tròn, mỗi khi gió thổi, dòng thác lại tung những hạt sương mờ mờ, phấp phới trong ánh nắng chiếu len lỏi qua kẽ lá. Ngày 16/11/2009, Thác Tiên - Đèo Gió đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.