Kỳ vọng đột phá phát triển kinh tế - xã hội miền Trung

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, ông đánh giá cao tính toàn diện của các Văn kiện Đại hội và kỳ vọng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011- 2020) tạo ra những đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung, trong đó, có Quảng Bình.

Là đại biểu tỉnh Quảng Bình dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình- cho biết, ông đánh giá cao tính toàn diện của các Văn kiện Đại hội và kỳ vọng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011- 2020) tạo ra những đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung, trong đó, có Quảng Bình.

-  Xin ông cho biết trong giai đoạn 2011 – 2015 Quảng Bình tập trung vào các mục tiêu chính nào và coi giải pháp nào là đột phá để thực hiện mục tiêu?

- Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định mục tiêu chính là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đại hội cũng đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2010-2015 là: Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm 12 - 13%; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm 4,5 - 5%; công nghiệp tăng bình quân 21 - 22%; dịch vụ tăng bình quân 12 - 12,5%...

Chúng tôi xác định, để thực hiện được các mục tiêu kể trên, Quảng Bình sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tập trung đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, các khu thương mại, dịch vụ, gắn với các khu kinh tế, khu du lịch, đô thị và vùng nông thôn, miền núi, khu kinh tế cửa khẩu và các cụm di tích văn hóa, lịch sử. Trong đó, Quảng Bình xác định phát triển công nghiệp là trọng điểm và phát triển hạ tầng là giải pháp đột phá.

Tôi cho rằng việc lấy công nghiệp làm trọng điểm phát triển cũng là phù hợp với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài bên hành lang ĐH.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài bên hành lang ĐH.

- Thảo luận về các Văn kiện Đại hội XI, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, điều ông quan tâm góp ý là gì?

- Các văn kiện Đại hội Đảng đã thể hiện một cách toàn diện đường hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, có một vấn đề tôi rất quan tâm, đó là chiến lược phát triển kinh tế biển. Tôi cho rằng, ngoài các tỉnh trọng điểm thì Chiến lược cũng nên quan tâm hơn tới việc phát triển kinh tế biển các tỉnh miền Trung. Thực tế, các tỉnh miền Trung nước ta, trong đó có Quảng Bình có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế biển do giáp biển để có thể phát triển cảng biển và có mặt bằng các bãi cát rộng lớn để phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất mà không ảnh hưởng tới diện tích đất lúa.

Nếu được đầu tư để phát triển mạnh về kinh tế biển thì tôi tin rằng kinh tế biển sẽ thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển và Quảng Bình sẽ trở thành hạt nhân tác động tới các địa bàn lân cận cùng phát triển.

Trong 3 đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011 – 2020, có đột phá về hoàn thiện thể chế. Từ thực tế của địa phương, theo ông trong lĩnh vực này hiện nay có gì là vướng nhất cần tháo gỡ?

- Đối với địa phương thì vướng nhất hiện nay vẫn là thể chế trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng. Bộ luật Đất đai của chúng ta chưa hoàn thiện, các văn bản dưới luật đôi khi hướng dẫn những cách áp dụng khác nhau với những đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, các dự án do doanh nghiệp thực hiện thì phải đền bù theo giá thỏa thuận, trong khi các dự án phúc lợi công cộng thì chỉ phải đền bù theo giá Nhà nước quy định. Tất nhiên là có sự chênh lệch lớn trong giá đền bù giữa các dự án, nên khó thực hiện.
Hy vọng rằng trong thời gian tới khi sửa Luật Đất đai thì Nhà nước sẽ gỡ được vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm