Một tuần kịch tính
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần trước (23/3), sắc đỏ ngập tràn, với hàng loạt cổ phiếu bluechips lao dốc. Kết phiên, VN-Index giảm 44,55 điểm, còn 667,18 điểm có khi có tới 349 mã giảm giá, 16 mã đứng giá và 33 mã tăng giá. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2016, chỉ số này xuống dưới ngưỡng 675 điểm. Trên sàn HNX, HNX-Index cũng mất mốc 100 điểm, kết phiên với 97,7 điểm, giảm 4 điểm. Toàn sàn có 45 mã giảm sàn trong tổng 123 mã giảm.
Đà giảm sàn này tiếp tục sang ngày 24/3 khi kết phiên, trên sàn HOSE có 127 mã tăng và 207 mã giảm (39 mã giảm sàn), VN-Index giảm 10,08 điểm (-1,51%), xuống 656,51 điểm; Trên sàn HNX có 48 mã tăng và 46 mã giảm, HNX-Index tăng 0,08 điểm (+0,08%), lên 96,54 điểm.
Tuy nhiên, sắc xanh đã lan tỏa khắp thị trường trong phiên giao dịch ngày 25/3 khi kết phiên, VN-Index tăng 31,04 điểm (4,71%) lên 690,25 điểm với 524 mã tăng giá, trong đó 85 mã tăng kịch trần; HNX-Index tăng 3,24% lên 100,09 điểm…
Đà tăng tiếp tục trong ngày giao dịch 26/3 tuy rất khó khăn. Kết phiên, VN-Index tăng 3,96 điểm (0,57%) lên 694,21 điểm với 463 mã giảm giá so 237 mã tăng giá và 138 mã đứng giá tham chiếu; tuy nhiên HNX-Index lại mất mốc 100 điểm, giảm 2,28% xuống 97,81 điểm.
Sang phiên giao dịch ngày cuối tuần (27/3), TTCK chứng kiến phiên rung lắc mạnh do áp lực chốt lời khiến hàng loạt cổ phiếu có xu hướng giảm, tuy vậy biến động mạnh tại một vài bluechips khiến VN-Index liên tục đảo chiều giằng co mốc 700 điểm.
Kết phiên, trên sàn HOSE, với 105 mã tăng, 241 mã giảm và 69 mã đứng giá, VN-Index tăng 1,85 điểm (0,27%) lên mức 696,06 điểm, trong đó cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đóng vai trò kéo chỉ VN-Index giữ được sắc xanh. Trên sàn HNX có 52 mã tăng, 88 mã giảm và 54 mã đứng giá, HNX-Index giảm 0,46 điểm (0,47%) xuống mức 97,35 điểm.
Thị trường vẫn “xanh vỏ, đỏ lòng”
Theo nhận định của các chuyên gia, 3 phiên giao dịch cuối tuần qua mặc dù VN-Index kết phiên tăng song vẫn trong trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”. Tuy nhiên trong phiên 27/3, điểm tích cực của thị trường là khối ngoại không còn giao dịch tiêu cực.
“Việc dòng vốn ngoại đang có xu hướng mua vào và giảm bán để đỡ danh mục cuối quý 1 được xem là “trụ đỡ” để VN-Index xác lập phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong ngày cuối tuần dù chỉ có thêm chưa tới 2 điểm…” - một chuyên gia bình luận.
Theo chuyên gia này, chuỗi 2 tháng ròng rã rút vốn là nỗi ám ảnh đối với nhà đầu tư (NĐT) vì cả chục ngàn tỷ đồng bán ròng là điều không bình thường. Và nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì khối ngoại thực tế vẫn bán ròng dù mức bán ròng đã nhỏ lại. Tuy vậy, nếu so với hàng trăm tỷ đồng rút đi mỗi ngày thì mức bán ròng hơn 47 tỷ đồng trong phiên cuối tuần vừa rồi là rất nhỏ. Chưa kể, trên sàn HOSE còn được mua ròng nhẹ.
Thống kê cuối phiên 27/3 cho thấy sàn HOSE bị bán ra 649,3 tỷ đồng và mua vào 667 tỷ đồng. Sàn HNX bán 15,3 tỷ đồng và mua gần 6,4 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn ròng hai sàn đạt +9 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng duy nhất suốt từ sau Tết, kể từ khi TTCK Việt Nam phản ứng với dịch Covid-19 cũng như thời điểm NĐT nước ngoài có thể hành động được, do trước đó thị trường tạm nghỉ.
Trước đó, trấn an NĐT, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng cũng đưa ra nhận định về tính thanh khoán của thị trường và xu hướng NĐT nước ngoài bán ròng cổ phiếu nhưng vẫn mua ròng trái phiểu và trong tuần vừa qua NĐT nước ngoài đã bắt đầu mua ròng cổ phiếu.
Rất khó nhận định về TTCK trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, xu hướng mua ròng cổ phiếu của NĐT nước ngoài đã xuất hiện và theo nhận định, gói hỗ trợ hơn 80 nghìn tỷ đồng giãn nộp thuế, tiền thuê đất Bộ Tài chính trình tuần qua khả năng được Thủ tướng ký ban hành trong tuần này được dự báo sẽ góp phần tiếp sức cho thị trường giữ ổn định sắc xanh, dần dần vượt qua giai đoạn khó khăn…
Tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” có thể vẫn tiếp diễn…
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, trong một vài phiên vừa qua đã có hiện tượng "xanh vỏ, đỏ lòng", nghĩa là một số ít cổ phiếu nhóm bluechip (nhóm cổ phiếu của các công ty có vốn hóa thị trường lớn) nâng đỡ thị trường, trong khi diễn biến giảm điểm diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là nhóm midcap (nhóm cổ phiếu của các công ty có vốn hóa thị trường trung bình), peny (nhóm cổ phiếu của các công ty có vốn hóa thị trường lớn). Diễn biến này do trong 1 tháng trở lại đây, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán rất mạnh từ khối ngoại, nay khối ngoại giảm bán ròng, nhóm cổ phiếu này hồi phục rất mạnh.
Theo chuyên gia, đây cũng là diễn biến thường thấy của thị trường trong quá khứ, ngay sau nhịp lao dốc kết thúc thì nhóm bluechip sẽ hồi phục đầu tiên và giúp lôi kéo dòng tiền quay trở lại thị trường, và sau đó giúp lan tỏa sang nhóm midcap và peny.
“Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều cơ sở để nhận định đà hồi phục này sẽ diễn ra bền vững, tình trạng "xanh vỏ, đỏ lòng" có thể vẫn tiếp diễn. Trong ngắn hạn, diễn biến của thị trường tương đối phức tạp nên các NĐT không nên quá tập trung vào những diễn biến ngắn hạn, thay vào đó nên tập trung vào xu hướng trung và dài hạn, đặc biệt là hướng đến cổ phiếu của các DN có tình hình tài chính lành mạnh, có khả năng chống chọi và hồi phục sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh qua đi…”- chuyên gia đưa ra lời khuyên.