'Lá chắn sinh mệnh' cho trẻ em khi tham gia giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hình ảnh những đứa trẻ vô tư ngồi sau xe máy, không mũ bảo hiểm, chen chúc giữa dòng xe cộ đông đúc, vẫn diễn ra hàng ngày. Điều này tiềm ẩn một hiểm họa vô cùng lớn: tai nạn giao thông - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích nghiêm trọng ở trẻ em Việt Nam.
Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ. (Tranh của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ. (Tranh của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh)

Sai một ly, đi một dặm

Một buổi chiều hè, bé Quang Minh, 6 tuổi (Hà Nội) cùng mẹ về nhà bằng xe máy sau giờ tan học. Chỉ một đoạn đường ngắn từ trường về nhà, mẹ nghĩ không cần phải đội mũ bảo hiểm cho con vì “đi gần thôi mà”. Không may, chiếc xe phía trước phanh gấp, khiến xe của hai mẹ con bị trượt ngã. Minh đập đầu xuống đường, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não. Dù may mắn sống sót, nhưng di chứng để lại là vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung.

Một trường hợp khác, bé trai Nguyễn Hiếu, 5 tuổi (TP HCM). Mẹ chở Hiếu, bé không đội mũ bảo hiểm, bị tai nạn. Hiếu bị gãy tay phải, gãy xương hàm dưới vùng cằm. Hay như trường hợp của bé gái Huyền Trang, 10 tuổi (Hậu Giang), được người thân chở bằng xe máy, bé không đội mũ bảo hiểm. Khi xảy ra tai nạn, bé bị gãy 2 tay, gãy chân phải, gãy mũi, hàm gò má, bờ ổ mắt, gãy xương hàm dưới.

Một nam sinh 15 tuổi tại Bắc Giang điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm đã phóng với tốc độ cao và đâm vào một xe máy khác đang sang đường. Cả hai người ngã ra đường, nam sinh đã tử vong.

Khoảng 20h ngày 2/10/2020, tại đường Hạ Long, thuộc khu 9, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, 2 học sinh không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe máy không biển kiểm soát đã tông thẳng vào xe ô tô bán tải đang chuyển hướng quay đầu. Hậu quả, 2 học sinh đi trên xe máy bị thương nặng.

Đây là những vụ tai nạn đau lòng khi trẻ không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Theo ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế nhất khi tham gia giao thông và tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4 - 15 tại nước ta. Điều đáng nói tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp.

Không đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông có thể khiến con gặp nguy hiểm. (Ảnh: Yến Chi)

Không đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông có thể khiến con gặp nguy hiểm. (Ảnh: Yến Chi)

Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông - con số tương đương với hơn 5 trẻ em thiệt mạng mỗi ngày. Phần lớn các trường hợp tai nạn xảy ra khi trẻ em ngồi sau xe máy mà không được đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng cách.

Một khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố lớn do Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á thực hiện năm 2024 cho thấy: chỉ khoảng 40 - 45% trẻ em đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy, mặc dù tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của người lớn lên đến 90%.

Dù đã có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên xe máy, song thực tế, việc thực hiện vẫn còn rất nhiều lơi lỏng, đặc biệt từ phía phụ huynh. Không ít bậc cha mẹ vẫn mang tâm lý: “Đi gần thôi, không cần đội mũ”; “Con không thích đội vì nóng”; “Mũ nhỏ khó mua, đội không vừa”… Nhưng thực tế, tai nạn không phân biệt khoảng cách hay thời gian. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra chỉ cách nhà vài trăm mét - nơi mà phụ huynh chủ quan nhất. Ngoài ra, nhiều em nhỏ phản ứng, không hợp tác khi bị bắt đội mũ vì cảm giác nóng, nặng, hoặc không đẹp. Nếu phụ huynh không kiên trì và hướng dẫn đúng cách, trẻ sẽ hình thành tâm lý phản kháng, lâu dần dẫn tới việc bỏ qua hoàn toàn. Nhìn thấy con bị chấn thương sọ não nằm trên giường bệnh, không ít cha mẹ, người thân của trẻ đã xót xa, đau đớn, hối hận vì đã “sai một ly, đi một dặm.”

An toàn cho con là yêu con đúng cách

Mũ bảo hiểm giúp giảm tới 70% nguy cơ chấn thương sọ não - đó là kết quả nghiên cứu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định. Đối với trẻ em - những đối tượng có cấu trúc hộp sọ mỏng manh, cổ yếu, phản xạ chậm - nguy cơ bị tổn thương não khi va chạm càng cao hơn so với người lớn. Mỗi cú ngã dù nhẹ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được bảo vệ đúng cách. Việc đội mũ bảo hiểm chất lượng không chỉ giúp giảm tác động lực khi va chạm mà còn ngăn ngừa những vết thương mở ở vùng đầu - nơi tập trung hàng trăm dây thần kinh quan trọng.

Theo các chuyên gia y tế, chấn thương sọ não ở trẻ em có thể dẫn đến tình trạng mất trí nhớ, rối loạn hành vi, chậm phát triển trí tuệ, thậm chí liệt toàn thân. Những di chứng này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ mà còn gây gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một vụ tai nạn dù nhẹ hay nặng đều kéo theo chi phí y tế, điều trị, phục hồi chức năng. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn rơi vào cảnh kiệt quệ khi phải chạy chữa cho con. Tổn thất về tinh thần - nỗi ám ảnh khi chứng kiến con mình đau đớn, sống đời thực vật - là điều không gì có thể bù đắp. Khi một đứa trẻ bị thương vì sự chủ quan của người lớn, các em không chỉ chịu tổn thương về thể chất mà còn hoang mang về mặt tâm lý. Trẻ mất cảm giác an toàn, lo lắng mỗi khi ra đường, thậm chí sợ xe máy - một phương tiện quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày.

Hình ảnh phụ huynh chở trẻ nhỏ không đội mũ bảo hiểm, không thắt đai an toàn rất phổ biến trên đường phố. (Ảnh: Linh Châu)

Hình ảnh phụ huynh chở trẻ nhỏ không đội mũ bảo hiểm, không thắt đai an toàn rất phổ biến trên đường phố. (Ảnh: Linh Châu)

Để thay đổi hành vi đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, không ai gần gũi và có ảnh hưởng lớn đến trẻ bằng cha mẹ. Chính vì vậy, cha mẹ, người thân trong gia đình cần làm gương luôn đội mũ bảo hiểm để trẻ học theo. Dạy trẻ từ nhỏ rằng “không đội mũ thì không được đi xe”. Cha mẹ cần chọn mũ đạt chuẩn, kích cỡ vừa đầu, có đệm êm và lỗ thoáng khí để trẻ thoải mái khi đội. Mỗi lần trẻ tự giác đội mũ cần được khích lệ, tạo sự hào hứng.

Ngoài gia đình, các trường học nên đưa nội dung an toàn giao thông, đặc biệt là tầm quan trọng của mũ bảo hiểm, vào chương trình giảng dạy. Tổ chức các buổi tuyên truyền, ngoại khóa, diễn kịch giúp trẻ “thấm” kiến thức qua thực tế và trò chơi. Các chiến dịch truyền thông sáng tạo cần được đẩy mạnh qua những clip ngắn, phim hoạt hình, bài hát vui nhộn về đội mũ bảo hiểm sẽ dễ dàng thu hút trẻ và cả phụ huynh. Thực tế, nhiều chương trình ngoại khóa với các chủ đề “Trẻ em cũng cần đội mũ”, “An toàn cho con là yêu con đúng cách” đã tạo được hiệu ứng tích cực nhưng vẫn cần được nhân rộng. Không chỉ tuyên truyền, các trường học cần kiểm tra định kỳ trong các buổi đưa đón học sinh.

Tổ dân phố, chính quyền địa phương cũng nên lồng ghép nội dung đội mũ bảo hiểm vào các phong trào như “Khu dân cư an toàn giao thông”, “Gia đình không vi phạm luật giao thông”. Các bạn trẻ cần góp tay truyền thông trên mạng xã hội bằng cách sáng tạo nội dung các video, hình ảnh truyền cảm hứng; chia sẻ câu chuyện thực tế để cộng đồng nâng cao nhận thức.

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em không chỉ là nghĩa vụ pháp luật, mà còn là tình yêu thương và trách nhiệm. Mỗi lần cài quai mũ cho con là một lần cha mẹ đặt sự an toàn của con lên trên sự tiện lợi, vội vã thường nhật. Mỗi bậc cha mẹ, người thân, thầy cô, cán bộ công an, tổ dân phố cùng nhau xây dựng một môi trường giao thông an toàn, nhân văn và tràn đầy yêu thương dành cho trẻ em.

Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, theo quy định trên thì trẻ em từ 06 tuổi trở lên sẽ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để vì sự an toàn của trẻ nhỏ thì người điều khiển phương tiện chở trẻ em khi tham gia giao thông vẫn có thể đội mũ bảo hiểm cho trẻ dù chưa đến tuổi quy định.

Đọc thêm