“Mốt” phế liệu
Hơn năm năm trước, gần như cùng một lúc Sài Gòn xuất hiện hai quán cà phê gây nhiều chú ý: Cà phê container, một nằm ở khu dân cư Trung Sơn (quận 8) và một ở đầu đường Hoa Lan (quận Phú Nhuận). Cả hai quán có nhiều điểm chung là sử dụng những thùng container cũ, trang trí lại làm nơi ngồi thư giãn, tuy đơn sơ nhưng rất đông khách.
Tại quán Container café ở quận 8, hai thùng container dài 20 feets (khoảng 12m) được đặt song song trên mảnh đất trống, ngó ra dòng kênh. Ông Giang, chủ quán đã khéo léo trong thiết kế khi trải thảm, ốp gỗ, khoét các cửa… khiến tín đồ cà phê có cảm giác mình đang ngồi trên những toa xe lửa. Khác một chút, Container Kafe (Phú Nhuận) biến thùng container cũ thành quầy pha chế, khi bước lên, cảm giác như đang ngồi trên chiếc xe nhà di động (motorhome). Bàn ghế ngồi uống được chủ quán tận dụng từ vỏ xe cũ, xếp chồng lên nhau.
Ngân, một đồng chủ quán Container Kafe cho biết, ý tưởng dùng “công” cũ làm quán cà phê tiện lợi nhiều bề và lạ. Giá mua thùng (gần 30 triệu) cộng với tiền sơn sửa, làm nội thất rẻ hơn cách xây dựng truyền thống (gạch cát đá). Mặt khác, đây là đất thuê, nên khi nào cần di dời, mang xe đến cẩu đi là gọn. Bên cạnh đó, theo Ngân, nếu tận dụng lại được đồ cũ, thải cũng góp phần giữ môi trường.
Nhưng có lẽ, ông Văn Công Mỹ là người mạnh dạn nhất khi dùng đến 28 container để làm một ngôi biệt thự cho mình tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức. Nằm trên mảnh đất rộng hơn 500m2, ít ai ngờ ngôi biệt thự một lầu một trệt này là một sự gắn ghép khéo léo từ những thùng sắt vuông thành sắc cạnh vô hồn.
Sau hơn ba tháng thi công, ngôi biệt thự đẹp lộng lẫy với sảnh tiếp khách, phòng họp, phòng truyền thông, nhà ăn, bếp, sân trước, sân sau, 3 phòng ngủ và một nhà thờ lớn trên lầu cùng 8 buồng vệ sinh trên dưới. Để có một ngôi biệt thự độc nhất vô nhị trên, phải kể đến ý tưởng thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Cửu Long (Công ty Nhà tiện ích Descon).
Điều thú vị là từ khi xây dựng xong đến nay, đã khoảng 8 năm, rất nhiều người tới tham quan, thích thú nhưng chưa ai dám chơi như ông. Có lẽ do tâm lý người Việt còn e ngại cho rằng ở trong container giống như ở trong cái cũi sắt. Trong nước lâu nay container chỉ dùng làm văn phòng công trường, phục vụ cho các công trình xây dựng do dễ di chuyển và có thể đặt trên bất kỳ mảnh đất trống nào. Ở nhiều nước, việc xây nhà, thậm chí xây chung cư, nhà hàng, siêu thị... bằng container khá phổ biến.
Ứng dụng nhà giá rẻ
Trước nhu cầu xây nhà di động, mấy năm trước ở Sài Gòn cũng đã xuất hiện không ít công ty sản xuất, lắp đặt nhà container bán sẵn. Những doanh nghiệp này vì có ngành nghề vận tải thường đang sở hữu nhiều container cũ. Trong vai người đi mua, chúng tôi ghé một số công ty sản xuất nhà container lớn của Sài Gòn nằm ven quận 9, Thủ Đức.
Theo một vị quản lý công ty, từ ý tưởng ban đầu, khoảng 10 năm trước, là cải tạo thùng cũ thành một quán cà phê di động, đội ngũ kỹ thuật đã làm xong và đem đi dự hội chợ triển lãm Vietbbuil. Sau đó, khách gọi đến đặt hàng làm nhà ở, từ đó công ty có thêm ngành nghề mới: thiết kế, thi công nhà container.
Hàng loạt mẫu nhà container được nhân viên công ty đưa ra mời chào, từ mẫu đơn (một container) đến mẫu ghép với lời quảng cáo hấp dẫn “rẻ hơn xây, mua ngay ở liền, xài xong bán lại…”. Chưa hết, công ty này còn có một nhà máy sản xuất nhà ở gần cầu Đồng Nai, đồng thời cũng là nơi trưng bày một số mẫu nhà, quán cà phê thật. Khách hàng cũng tùy ý chọn nhà làm sẵn hoặc chỉ là container thô.
Hiện nhà container đơn loại 20 feets một phòng khách, một phòng ngủ đã có đầy đủ nội thất (điện, máy lạnh, vệ sinh) giá 120 triệu/căn, với nhà container ghép 2 container giá 200 triệu (khoảng 60m2), ghép 4 container giá ngoài 300 triệu (khoảng 120m2)... Công ty sẽ chở nhà đến tận nơi. Giá bán thùng rỗng cũng dao động từ 30 – 38 triệu đồng. Với những mẫu nhà lớn, phức tạp, khách hàng chỉ cần đưa bản thiết kế, công ty sẽ thi công.
Anh Đức Quang, một người bạn chủ quán cà phê ở Bình Thạnh nhẩm tính, với giá trung bình khoảng 2,5 triệu/m2 nhà container là rẻ so với giá xây dựng truyền thống. Phù hợp với những gia đình mới mua được đất, chưa đủ tiền xây nhà, chưa kể xài xong đem bán lại chỉ bị lỗ ít vốn. Anh cũng đang tính mở thêm một quán cà phê nữa, lần này sẽ dùng container cũ.
Anh chắc chắn một điều “nếu mua công thô, sau đó tự thiết kế, bày biện sẽ rẻ hơn rất nhiều”. Thiết nghĩ, với chỗ ở tạm thời cho người nghèo, sinh viên nếu các nhà quản lý, chính sách cũng tận dụng thùng container phế liệu biến thành những chung cư mini thì tốt biết mấy.
|
Quán cà phê dựng bằng container ở quận Phú Nhuận |
Khó quản
Khi nhà container được người sử dụng biến thành nơi để ở, cửa hàng kinh doanh, quán bán nước giải khát, kho chứa hàng... vấn đề quản lý thế nào lại đặt ra với cơ quan chức năng. Theo số liệu từ Sở Xây dựng TPHCM năm 2017, sau khi kiểm tra, Sở phát hiện 165 công trình container tại 13 quận - huyện trên địa bàn TP được người dân chuyển đổi và sử dụng với các công năng nêu trên.
Trong đó, hơn 150 công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Trong số này có 17 công trình được cấp giấy phép xây dựng nhưng đã thay đổi kết cấu chịu lực, 134 công trình không có giấy phép xây dựng, lắp đặt trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch, vi phạm hành lang kỹ thuật…
Các công trình sai phạm tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Chánh (65 công trình), tiếp đến là quận Bình Tân (37 công trình) và quận Thủ Đức (18 công trình).
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh những công trình container này. Theo ý kiến của một chuyên gia trong ngành xây dựng, Luật Xây dựng 2014 quy định công trình xây dựng phải được liên kết định vị với đất và được xây dựng theo thiết kế. Do đó, nhà ở bằng container có thể di chuyển được thì không phải là công trình xây dựng.
Theo một thanh tra xây dựng, Luật Xây dựng 2014 chưa đề cập đến những loại công trình như “nhà container” cố định hoặc di động, nên đây là một lỗ hổng pháp lý gây khó cho việc quản lý và cả người sử dụng. Nên quy định cấp phép đặt công trình tạm đối với container và công trình này phải đảm bảo các quy định về đô thị, môi trường. Ý kiến từ một luật sư khác cũng cho rằng, từ các quy định của Luật Xây dựng, “nhà container” là một dạng biến tướng của nhà ở nhưng không được xem là công trình xây dựng do không được liên kết định vị với mặt đất, điều này đồng nghĩa với việc pháp luật không thừa nhận hình thức nhà ở được làm từ container.
Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM khẳng định, container dùng cho mục đích chứa hàng hóa và vận chuyển hàng hóa thì không phải là công trình xây dựng. Nhưng nếu container được cải tạo, lắp đặt các thiết bị làm nhà ở hoặc văn phòng sẽ được xác định là công trình xây dựng. Do vậy, phải tuân theo các quy định của pháp luật về công trình xây dựng.
Cụ thể, nếu làm nhà container không thuộc đất xây dựng, không có giấy phép xây dựng của UBND quận - huyện cấp thì sẽ bị cơ quan chức năng cưỡng chế theo đúng quy định. Người dân muốn đặt container làm nhà ở hoặc văn phòng trên đất có chủ quyền và thuộc đất xây dựng thì phải có giấy phép xây dựng như một công trình bình thường.