Lai Châu: Chủ động đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người

(PLVN) -  Trong thời gian qua, Công an tỉnh Lai Châu đã chủ động nắm tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm mua bán người; tổ chức tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin tội phạm và rà soát, dựng các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người để tổ chức đấu tranh, ngăn chặn một cách có hiệu quả.
Trung tá Vũ Tuấn Dũng, Phó Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lai Châu.
Trung tá Vũ Tuấn Dũng, Phó Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lai Châu.

Tính chất ẩn của tội phạm mua bán người còn rất cao

Ngày 14/7/2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lai Châu phá thành công chuyên án Truy xét mang bí số 0721H, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Má A Hồng (SN 1995; trú tại bản Sin Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ) về hành vi “Mua bán người”.

Tại cơ quan điều tra, Má A Hồng khai nhận: Vào khoảng tháng 10/2020, Hồng quen biết, tán tỉnh, yêu đương với L.T.S (SN 2005; trú tại bản Sểnh Sảng, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ) qua mạng facebook.

Sau đó, Hồng rủ S đi làm thuê tại thành phố Lai Châu. Khi chị S đồng ý, Hồng đã đưa chị này đến mốc 68 khu vực biên giới thuộc xã Mù Sang, huyện Phong Thổ và bán cho một người đàn ông Trung Quốc không biết tên lấy 5.000 nhân dân tệ.

Trước đó, năm 2020, Công an tỉnh Lai Châu cũng đã phát hiện, điều tra làm rõ vụ đối tượng Sùng A Chớ (SN 1991, ở bản Nậm Pan, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) sử dụng mạng xã hội facebook mang tên Mùa A Tú rồi lên mạng lấy ảnh mặc trang phục Công an nhân dân của một chiến sỹ nghĩa vụ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Lai Châu để làm quen với các phụ nữ trẻ tuổi hòng lừa bán sang Trung Quốc.

Theo hồ sơ vụ việc, tháng 8/2019, Chớ kết bạn, làm quen với một người phụ nữ có tên facebook là S.T.M.D (tên thật là S.T.N, SN 2003, ở bản Ma Sao Phìn Thấp, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Khi làm quen N, Chớ giới thiệu tên là Lý A Tú, làm Công an biên phòng ở cửa khẩu Lào Cai, hứa sẽ lấy N làm vợ và chuyển cho N 2 triệu đồng để chi tiêu cá nhân.

Ngày 30/8/2019, Chớ rủ N đi Sa Pa chơi, N đồng ý. Khoảng 15h00 cùng ngày, Chớ gọi điện thoại thuê xe taxi đón N ra thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Sau đó, tên này thuê một người đàn ông Trung Quốc đón và chở N từ chợ Cốc Lếu, thành phố Lào Cai sang lán trồng chuối ở Trung Quốc để giao cho Chớ. Sau khi gặp N, Chớ, Sinh và Thề giam giữ N ở lán chồng chuối của Chớ rồi tìm chỗ để bán N.

Đến đầu tháng 10/2019, Chớ bán N cho một người phụ nữ người Trung Quốc với giá 16 nghìn nhân dân tệ, Chớ chia cho Sinh 2 nghìn nhân dân tệ, Thề 1.500 nhân dân tệ.

Ngoài hành vi mua bán S.T.N, Chớ còn có hành vi Mua bán người dưới 16 tuổi, cũng bằng cách sử dụng mạng xã hội facebook để kết bạn làm quen với những phụ nữ trẻ tuổi là người Việt Nam để lừa bán sang Trung Quốc.

Trung tá Vũ Tuấn Dũng, Phó Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã phát hiện, bắt giữ 24 vụ, 33 đối tượng và 81 nạn nhân.

Nhờ tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, trong những năm gần đây, số vụ án mua bán người được phát hiện, bắt giữ và xử lý đã giảm đáng kể so với những năm trước đây.

“Tuy nhiên, qua số liệu thống kê về số phụ nữ vắng mặt tại địa phương lâu ngày không rõ lý do, số trường hợp thanh niên nam nữ đi các địa bàn lao động, làm thuê còn rất nhiều nên tính chất ẩn của tội phạm mua bán người còn rất cao”, Trung tá Vũ Tuấn Dũng cho hay.

Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi

Đặc biệt, theo Trung tá Vũ Tuấn Dũng, trong thời gian gần đây, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người đã có sự thay đổi đáng kể so với trước.

Cụ thể, những năm trước đây, hầu hết các đối tượng trực tiếp vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn để trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc để dụ dỗ, lôi kéo và lừa gạt nạn nhân, sau đó đưa các nạn nhân đi bán.

Song, gần đây, các đối tượng triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ 4.0, lợi dụng các mạng xã hội như Zalo, facebook, Viber để tiến hành tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân.

Các đối tượng sử dụng tên giả, địa chỉ giả, các thông tin giả để dụ dỗ lừa gạt nạn nhân. Trong quá trình lừa gạt nạn nhân, đối tượng cũng không trực tiếp xuất hiện mà thông qua việc thuê taxi, thuê xe ôm để đón nạn nhân.

Ngoài ra, thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng một số công dân cư trú trên địa bàn tỉnh Lai Châu khi đi làm thuê, lao động ở các địa bàn khác như các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, làm thuê ở Hà Nội thông qua mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt.

Khi nạn nhân đồng ý, đối tượng sẽ hướng dẫn cho nạn nhân tự đi ra địa phận biên giới và xuất cảnh trái phép sang Campuchia, sau đó đối tượng thực hiện hành vi lừa bán nạn nhân, cưỡng đoạt lao động.

“Một số trường hợp trong quá trình khẩu lao động không chịu được, muốn bỏ về nhưng phải bỏ ra một số tiền chuộc rất lớn”, Trung tá Vũ Tuấn Dũng cho biết.

Theo Trung tá Vũ Tuấn Dũng, trong quá trình nắm tình hình, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã ghi nhận trên 20 trường hợp đã bị lừa gạt sang Campuchia. Công an tỉnh đã phối hợp với gia đình, các lực lượng chức năng để giải cứu được 5 trường hợp.

“Quá trình xác minh, làm rõ đối tượng hết sức khó khăn do các đối tượng không trực tiếp xuất hiện, sử dụng thông tin giả, địa chỉ giả để đăng ký tài khoản Zalo, facebook, số điện thoại”, Phó Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lai Châu thông tin.

Trong quá trình đi, đối tượng không trực tiếp xuất hiện mà hướng dẫn cho nạn nhân đến địa phận biên giới thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh rồi hướng dẫn cho các nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Campuchia và sau đó lừa vào các sòng bạc, cơ sở kinh doanh trá hình.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân

Trước thực trạng này, thời gian qua, Công an tỉnh Lai Châu đã kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của tỉnh chỉ đạo tất cả các cơ quan, ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện công tác phối hợp xác minh giải cứu hỗ trợ nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia đã trở về địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả bằng hình thức trực tiếp và trên trang fanpage của các đơn vị để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, hạn chế không để các vụ lừa gạt nạn nhân sang Campuchia tiếp tục xảy ra.

Ngoài ra, Ban Giám đốc công an tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan quản lý thông tin mạng như Phòng an ninh mạng công nghệ cao để quản lý và nắm chắc những thông tin, diễn biến trên mạng xã hội, các trang facebook, zalo để kịp thời phát hiện những tổ chức, đường dây, nhóm đối tượng thường xuyên đăng tải các bài kêu gọi, rủ công dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu sang địa bàn nước ngoài, đặc biệt là Campuchia, Myanmar để lao động làm thuê “việc nhẹ lương cao”.

Công an tỉnh Lai Châu còn thường xuyên chỉ đạo các phòng chức năng của công an tỉnh, công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết và tích cực tham gia công tác tố giác, phòng ngừa tội phạm và ngăn chặn việc các đối tượng lừa gạt dụ dỗ các nạn nhân ra nước ngoài, đặc biệt là sang Trung Quốc, Campuchia, Myanmar.

Thêm vào đó là việc chỉ đạo các đơn vị phát huy tốt hiệu quả của các hòm thư tố giác tội phạm, các trang fanpage của các đơn vị để người dân có thể trực tiếp tố giác, tố cáo các hành vi của các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo công dân trên địa bàn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để qua đó lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội mua bán người…

Trong thời gian từ ngày 1/1/2015 đến ngày 15/6/2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp giải cứu và tiếp nhận 133 nạn nhân trong các vụ mua bán trở về đoàn tụ cùng gia đình. Các nạn nhân trở về địa phương đều nhận được chính sách, dịch vụ hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều nạn nhân được Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với các sở, ban ngành và các tổ chức xã hội hỗ trợ tiền, trợ giúp tâm lý...

Đọc thêm