Lại một Tết không thể về với cha mẹ … vì dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron khiến những cuộc hồi hương trên khắp thế giới trong dịp Tết Nguyên đán 2022 trở nên khó khăn hơn. Đây là năm thứ 3 mà hàng trăm triệu gia đình trên thế giới có thể sẽ buộc phải xa cách trong dịp lễ đoàn tụ này.
Tết Nhâm Dần 2022, nhiều người không biết nên đi hay về nhà.
Tết Nhâm Dần 2022, nhiều người không biết nên đi hay về nhà.

Tết không trọn vẹn khi không ở bên gia đình

“Dù ở bất cứ đâu trên thế giới, tôi biết mình luôn có thể quay về nhà, ăn mừng năm mới với gia đình thân yêu, chia những phong bao lì xì đỏ rực. Nhưng bởi vì đại dịch, kỳ nghỉ trở nên buồn hơn”, Cheryl Lu-Lien Tan - một tác giả người Singapore gốc Hoa sinh sống và làm việc tại bang Florida (Mỹ) chia sẻ với tờ Washington Post.

Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, Chính phủ Singapore đã khuyến cáo người dân hạn chế việc về quê ăn tết, tụ họp, đến thăm gia đình nhau để phòng dịch. Còn đối với người con xa xứ như Tan, cô đã không thể về nhà với cha mẹ mà chỉ tham gia buổi tiệc đoàn tụ đó qua màn hình Zoom. Dù vậy, các thành viên trong gia đình quy ước với nhau đều mặc đồ đỏ và vàng – hai màu biểu thị sự may mắn.

Theo truyền thống, trong bữa tiệc đoàn tụ gia đình đêm giao thừa của người Singapore, mọi người thường đứng xung quanh bàn và nói “Gong xi fa cai” (chúc phát tài) hoặc nói “Wan shi ru yi” (vạn sự như ý). Sau đó sẽ cùng tung đảo nguyên liệu 7 lần và la to “Lo hei” (cầu may mắn). Mỗi người sẽ cầm đũa đảo rồi tung Yu Sheng – món gỏi cá sống truyền thống của Singapore lên cao và ước nguyện điều may mắn cho năm mới.

Đối với văn hoá người Hoa, món ăn thường là ngôn ngữ của tình yêu, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Ví dụ, ăn cá đầu năm vì từ cá trong tiếng Hán phát âm giống từ dư thừa, dư dả cả năm. Sợi mì dài là biểu tượng sống lâu. Bánh bao có hình dạng giống như những thỏi vàng truyền thống của Trung Quốc xưa, tượng trưng cho sự giàu có.

Dịp năm mới xa nhà càng khiến Tan nhớ về cha mẹ và gia đình nhiều hơn. Cô cho biết, cô thường tự làm bánh bao đêm giao thừa bằng công thức gia truyền của mẹ mình qua những cuộc gọi điện thoại trực tuyến. Không biết bao giờ cô có thể gặp lại mẹ nhưng món ăn của mẹ vào dịp Tết Nguyên đán chính là sợi dây kết nối giữa Tan và gia đình cô.

Đoàn tụ gia đình là điều mọi người con xa xứ đều mong muốn tại thời điểm này.

Đoàn tụ gia đình là điều mọi người con xa xứ đều mong muốn tại thời điểm này.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, rất nhiều gia đình trên thế giới rơi vào hoàn cảnh giống như trường hợp của Cheryl Lu-Lien Tan. Người dân những quốc gia ăn mừng ngày lễ này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Malaysia… đã phải dần quen với một cái Tết không trọn vẹn bởi không thể có toàn bộ gia đình tụ họp. Đặc biệt, các chuyến bay quốc tế đều trở nên rất đắt đỏ trong mùa cao điểm này. Đáng nói, đến năm 2022, nhiều quốc gia vẫn phải quyết định thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Singapore là một ví dụ. Theo Channel Asia News, Chính phủ Singapore không có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với COVID-19 và dự định giữ nguyên các quy định này trong suốt dịp Tết Nhâm Dần 2022. Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, đồng Chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm COVID-19 quốc gia cho biết: “Chúng tôi tin rằng các biện pháp quản lý an toàn này là quan trọng, phù hợp và vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để vượt qua làn sóng Omicron sắp tới với tư thế biện pháp quản lý an toàn hiện hành. Chúng tôi không có ý định nới lỏng thêm vào lúc này và chúng tôi sẽ cố gắng không thắt chặt”.

Với việc Tết Nguyên đán sắp đến vào đầu tháng tới, ông Wong cũng cho biết Singapore không thể có nhiều sự kiện lớn hay lễ hội diễn ra và kêu gọi mỗi cá nhân tự giác thực hiện trách nhiệm với xã hội. Chính phủ giới hạn quy mô nhóm tụ tập xã hội là năm người. Nếu mọi người mất cảnh giác và chấp nhận rủi ro không cần thiết, tốc độ lây truyền sẽ được khuếch đại, dẫn đến một làn sóng lây nhiễm lớn hơn nhiều.

Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là đảm bảo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải trong đợt bùng phát dịch tiếp theo. Các chuyên gia ước tính, trong thời gian sắp tới, số ca nhiễm mỗi ngày ở quốc đảo sư tử có thể lên tới con số 15.000 ca, tuỳ vào độ nghiêm ngặt của các biện pháp kiểm soát lây nhiễm của nước này.

Như vậy, các gia đình sẽ phải hy sinh một cơ hội đoàn tụ trong dịp lễ trọng đại này một lần nữa bởi tác động của COVID-19.

Trong văn hóa của người Trung Quốc, món ăn thường là ngôn ngữ của tình yêu.

Trong văn hóa của người Trung Quốc, món ăn thường là ngôn ngữ của tình yêu.

Hàng triệu gia đình Trung Quốc… khó có thể đoàn tụ

Mặt khác, sự lây lan nhanh chóng của biến thể omicron trên khắp thế giới một lần nữa khiến hàng trăm triệu gia đình Trung Quốc phải đối mặt với viễn cảnh Tết Nguyên đán không được đoàn tụ, theo CNN.

Tết Âm lịch là ngày lễ lớn nhất hằng năm của đất nước tỷ dân với truyền thống người dân trên khắp mọi miền đều quy tụ về nhà. Thông thường vào thời điểm này trong năm, hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ đóng gói đi qua các đường cao tốc, tàu hỏa và máy bay để về quê ăn Tết. Nhưng cuộc di cư hàng năm lớn nhất của con người trên trái đất đã bị hoãn lại, theo lời kêu gọi của Chính phủ Trung Quốc tránh các chuyến đi “không cần thiết” trong kỳ nghỉ lễ.

Mới đây, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cũng đã thông báo các hạn chế đi lại trong dịp Tết. Theo đó, Chính phủ kêu gọi cư dân ở bất kỳ thành phố nào có trường hợp nhiễm COVID-19 không nên đi du lịch trong những ngày Tết Âm và Lễ hội Mùa xuân sắp tới. Các hạn chế đi lại này tiếp tục là một “đòn giáng mạnh” vào các gia đình Trung Quốc đã “quá mệt mỏi” vì giãn cách trong suốt hơn một năm qua.

Theo các biện pháp thắt chặt mới của Trung Quốc, người dân từ các khu vực có rủi ro trung bình hoặc cao bị nghiêm cấm đi lại. Các khu vực “rủi ro trung bình” là những khu vực có ít hơn 10 trường hợp được thông báo trong hai tuần qua. Còn các khu vực “nguy cơ cao” có hơn 10 trường hợp được thông báo nhiễm bệnh. Tính đến ngày 8/1, Trung Quốc đã có 12 khu vực “rủi ro cao” và 57 khu vực “rủi ro trung bình”. Mặc dù các quy định đối với cư dân ở các quận rủi ro thấp được nới lỏng một chút nhưng người dân cũng được Chính phủ khuyến cáo không nên đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ và được yêu cầu xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 48 giờ mới được rời thành phố.

Chia sẻ với tờ South China Morning Post, Yang Min, một nữ luật sư 35 tuổi ở Phật Sơn, trung tâm thương mại gần Quảng Châu, có thể không trở về quê nhà ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc trong dịp Tết. Cô cho hay: “Công ty đồng ý nếu chúng tôi muốn nghỉ phép vào Tết nhưng tôi lo lắng về tất cả các biện pháp kiểm dịch và hạn chế ở các tỉnh như Hà Nam và Hà Bắc nơi bố mẹ tôi sinh sống. Chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế đi lại hơn trong năm nay và đó là một quyết định khó khăn vì chúng tôi đã không về nhà trong hai năm”.

Theo đó, hàng chục triệu lao động Trung Quốc làm việc ở các thành phố lớn đang phải đau đầu quyết định có nên về quê vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới hay không. Điều này cũng từng xảy ra vào dịp Tết năm 2021 và 2020.

Đối với nhiều người Trung Quốc rời quê hương để tìm việc tại các thành phố lớn, dịp Tết là cơ hội duy nhất để họ đoàn tụ cùng gia đình trong năm. Tuy nhiên, bởi lệnh hạn chế đi lại của Chính phủ, thậm chí một số chính quyền địa phương còn thêm các quy tắc riêng, chặt chẽ hơn, hy vọng và kế hoạch về nhà hoàn toàn bị “đảo lộn”.

Đọc thêm