Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục trong gần 1 thập kỷ

(PLVN) - Bối cảnh dịch COVID-19 vẫn có nhiều diễn biến khó lường đã tác động ngày càng sâu rộng đến các mặt của đời sống xã hội, trong đó, đồng loạt các ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm đến mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ qua.
Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục trong gần 1 thập kỷ

Trong hoạt động tài chính tiền tệ, thì việc gửi tiết kiệm là kênh huy động vốn chủ yếu của các ngân hàng. Do đó, để thu hút người dân gửi tiền, các ngân hàng thường xuyên đưa ra chính sách ưu đãi cùng mức lãi suất hấp dẫn.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đồng loạt giảm đến mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2011-2012 đến nay và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cụ thể, sau đợt giảm lãi suất vào đầu tháng 7, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong tất các các kỳ hạn. Trong đó, lãi tiền gửi dưới 6 tháng hiện đã thấp hơn 0,75-1% so với đầu năm, trong khi lãi kỳ hạn trên 6 tháng đã giảm 1-2%/năm.

Lý do giảm lãi suất mà nhiều ngân hàng đưa ra là được thực hiện theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với mức giảm 0,2-1%/năm đối với khách hàng cá nhân và 0,2-1,2%/năm với khách hàng doanh nghiệp. Điều đó “cũng nhằm mục tiêu có thêm dư địa để hạ lãi suất cho vay, góp phần chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19”, đại diện một nhà băng chia sẻ.

Theo ộng Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Chính sách công và quản lý trường Fulbright, trước tác động của dịch bệnh, phản ứng chính sách tiền tệ tại mỗi nước là khác nhau nhưng đều phải đảm bảo nguyên tác hệ thống tài chính lành mạnh, tránh khủng hoảng.

Ông Thành cũng khẳng định trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng nhưng vấn đề chủ yếu của hệ thống tài chính nằm ở thanh khoản. Do vậy, việc Việt Nam có chính sách tiền tệ thận trọng hơn khi dòng tiền chủ yếu đưa ra gián tiếp qua việc giảm lãi suất, nhằm đảm bảo hệ thống tài chính an toàn, tránh việc khủng hoảng kinh tế kéo theo một cuộc khủng hoảng tiền tệ khác là khả quan.

Lãi suất tiết kiệm tháng 8/2020 được đăng tải trên Website của các ngân hàng.

 Lãi suất tiết kiệm tháng 8/2020 được đăng tải trên Website của các ngân hàng.

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank  - lý giải việc ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm, ngoài chủ trương quyết liệt chỉ đạo giảm lãi suất của NHNN để hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp có nhu cầu cơ cấu nợ, thì thực tế các ngân hàng đang gặp khó trong việc tăng trưởng tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bởi “tín dụng đầu ra mà tăng trưởng khó thì đầu vào các ngân hàng cũng phải giảm lãi suất”, ông Tuệ cho hay.

Ông Tuệ nêu dẫn chứng, với biên lãi thuần như hiện nay, nếu không giảm lãi suất huy động mà giảm lãi cho vay có thể dẫn tới thua lỗ. Chẳng hạn, lãi suất huy động ở mức 5% mà cho vay ra chỉ 7%, ngân hàng sẽ chịu lỗ, vì vẫn phải trang trải các chi phí, trích dự phòng.

Rõ ràng, hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID -19, nên việc giảm lãi suất từ chủ trương của NHNN là một mục tiêu tích cực, giúp DN có khả năng cơ cấu nợ, giải quyết khó khăn về vốn. Mặt khác “Giảm lãi suất cho vay, mới có người vay và trả được nợ, nên muốn giảm lãi suất đầu ra thì buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất đầu vào. Còn việc giảm lãi suất 2 chiều thường không có độ trễ, mà sẽ được áp dụng tùy tình hình tài chính của mỗi ngân hàng”, ông Tuệ kết luận.

Hiện nay ngân hàng Techcombank vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở hầu hết kỳ hạn khác với xu hướng giảm 0,2-0,3% so với đầu tháng 7. Tại quầy, thì kỳ hạn 1 tháng từ 3,7-4% xuống còn 3,15-3,65% (tùy đối tượng và điều kiện khách hàng). Nếu nhận trả trước, lãi suất thực tế khách nhận được chỉ là 3%/năm.

Sacombank cũng vừa điều chỉnh giảm 0,15-0,6% lãi suất tại các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Tương tự, VPBank giảm 0,2-0,4%; ACB giảm 0,1-0,4%; hay VIB, NamABank, TPBank, Eximbank... đều giảm lãi tiền gửi tại nhiều kỳ hạn 0,2-0,5%/năm.

Đáng chú ý, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietinbank, Agribank, BIDV, Vietcombank) hiện đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp nhất thị trường. Lãi suất tiết kiệm trên 12 tháng tại các nhà băng này hiện phổ biến ở mức 6%/năm. Riêng Vietcombank đã giảm lãi tiền gửi kỳ hạn 36 tháng xuống còn 5,8%/năm, thấp nhất thị trường và là mức thấp kỷ lục của tiền gửi dài hạn trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.

Đọc thêm