Rất nhiều những đối thoại nho nhỏ như thế đã diễn ra tại diễn đàn “Làm chủ tài chính - Tương lai bình đẳng” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 20/01/2021 tại trường Marie Curie. 400 học sinh khối lớp 3, lớp 4 được các cô giáo, cán bộ Hội Phụ nữ dẫn dắt để tiếp cận với thông điệp tự chủ tài chính để có quyền bình đẳng.
Theo số liệu thống kê của JA worldwide 2017, trên thế giới, cứ 3 người trưởng thành thì có 2 người “không có hiểu biết về tài chính”, trong đó người trẻ dưới 35 tuổi chiếm 44%. Còn theo kết quả khảo sát của Save the Children, thanh thiếu niên không có kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành.
Trong các gia đình Việt Nam hiện nay, quan niệm thường thấy là phụ nữ ở nhà nội trợ, đàn ông kiếm tiền lo cho gia đình. Quan niệm này ở nhiều trường hợp khiến cho người phụ nữ bị phụ thuộc vào kinh tế, dẫn đến bị bạo lực gia đình, mất an toàn trong gia đình, ảnh hưởng đến tâm sinh lý phát triển của con cái.
“An toàn cho phụ nữ và trẻ em” là chủ đề được Hội LHPN Việt Nam quan tâm trong suốt thời gian qua. Đặc biệt tự chủ về tài chính được xác định là tiền đề quan trọng để đảm bảo được yếu tố bình đẳng. Trong cuộc sống hiện đại, bất kỳ ai với bất kỳ giới tính nào đều có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và được tạo cơ hội để phát triển đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.
Bà Trương Thị Thu Thủy – Trưởng Ban Gia đình và Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam trò chuyện với các em nhỏ |
“Tăng cường hiểu biết về bình đẳng giới và quản lý tài chính sẽ giúp các em học sinh có hiểu biết toàn diện hơn, giúp các em vững vàng hơn trong cuộc sống khi trưởng thành. Học sinh là thế hệ thúc đẩy sự bình đẳng giới trong chính cuộc sống của bản thân để từ đó rút ngắn sợi dây khoảng cách về giới. Điều này sẽ cung cấp cho các em hiểu biết toàn diện là động lực để đóng góp vào sự phát triển của xã hội nói chung” – bà Trương Thị Thu Thủy – Trưởng Ban Gia đình và Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
Qua diễn đàn “Làm chủ tài chính - Tương lai Bình đẳng” các em được trang bị kiến thức và kỹ năng về tài chính, để phát triển nhận thức và kỹ năng thực hành trong quản lý tài chính cá nhân thông qua 4 thói quen sử dụng tiền: kiếm tiền, tiết kiệm, tiêu tiền và quyên góp; biết trân trọng giá trị đồng tiền, công sức lao động của cha mẹ để kiếm tiền.
Cũng theo bà Thủy, Hội LHPN Việt Nam khi thực hiện chương trình này còn mong muốn hỗ trợ gia đình trong việc giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức của cha mẹ về đồng hành cùng con trong trang bị kiến thức tài chính.