Làm công chức không phải để làm giàu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tại Hội thảo khoa học lấy ý kiến cho đề án xây dựng nền công vụ TP HCM hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030 do UBND TP tổ chức mới đây, vấn đề thu nhập của công chức một lần nữa lại được một số đại biểu trăn trở đặt ra.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phía sau tiền lương của một người là quan hệ xã hội, tốt nghiệp đại học vào nhà nước lương 3 - 4 triệu thì đời sống, quan hệ xã hội của họ ra sao? - một ý kiến đặt ra. Theo quy định, người có trình độ đại học khi được tuyển vào khu vực công sẽ là công chức A1, hệ số lương 2,34. Với lương cơ sở hiện hành 1,8 triệu đồng, mức lương nhận được mỗi tháng là 4,212 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng (4,68 triệu đồng) dành cho lao động chưa qua đào tạo khu vực ngoài nhà nước. Sau khi trừ bảo hiểm xã hội 9,5%, tiền lương thực nhận của công chức chỉ hơn 3,8 triệu đồng. Sau đó, cứ ba năm, công chức sẽ được xét tăng hệ số thêm 0,33.

Riêng TP HCM, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua năm 2023, trao cho TP một số chính sách đặc thù. Trong đó, HĐND TP được quyết định bố trí thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với mức chi không quá 1,8 lần lương. Kinh phí tùy thuộc vào nguồn cải cách tiền lương còn dư của thành phố.

Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng thu nhập tăng thêm vẫn chưa thể bảo đảm, tiệm cận được đời sống của cán bộ, công chức TP, đặc biệt khi lượng công việc ở TP HCM quá lớn. Một đại biểu dẫn ví dụ một số xã, phường ở TP HCM có hơn 100.000 dân, tương đương với số dân 2 huyện miền núi, chưa kể các đơn vị kinh doanh, nhà hàng, quán ăn... Thế nhưng, việc vẫn chạy, chứng tỏ công chức tại TP rất vất vả, rất có kinh nghiệm trong công việc; và để tạo thêm động lực cho cán bộ, trước tiên cần tính cách tăng thu nhập cho họ.

Đại biểu này đề nghị TP xin cơ chế về số lượng biên chế, công chức theo cách truyền thống mà cần giao theo 3 chỉ số, gồm: Số biên chế công chức tối đa; số ngân sách tiền lương trả cho toàn bộ hệ thống công chức; hiệu quả xử lý tính theo từng hồ sơ công việc. TP đồng thời sắp xếp tối ưu hoá công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công việc. Sau khi tối ưu hoá quy trình công việc, chi phí còn lại cán bộ sẽ được hưởng như thu nhập tăng thêm. Làm nhiều, cực nhọc, nên thu nhập phải tăng thêm mới là công bằng với công chức TP và có động lực khuyến khích, ý kiến này đánh giá.

Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND TP cho biết đề án đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Sau Hội thảo, sẽ có các cuộc tham vấn chuyên gia để nghiên cứu cơ chế khoán quỹ lương, biên chế, chi lương để tạo động lực cho cán bộ. Dự kiến, tháng 5 dự thảo sẽ hoàn thành để trình Ban Thường vụ Thành ủy.

Sẽ có những điểm mới, nhưng để đạt được tất cả như kỳ vọng của các đại biểu, thì quả là rất khó, vì “cái khó bó cái khôn”, còn liên quan nhiều quy định chung, liên quan nguồn tiền đâu ra… Và một trong những điểm quan trọng, là “Công chức không đơn thuần là công việc kiếm lương mà còn là giá trị phụng sự, đóng góp cho sự phát triển” như lãnh đạo TP nêu rõ. Đúng là làm công chức không phải để làm giàu, mà còn vì phục vụ người dân, kiến tạo sự phát triển của TP, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

Đọc thêm