Ngày 23/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có Công điện hỏa tốc về việc tập trung, chủ động ứng phó để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường, cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra tình trạng mưa lớn (kèm theo gió lốc, mưa đá) gây ngập lụt, sạt lở đất... ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, thiệt hại tài sản và hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố tuyệt đối không được mất cảnh giác, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp ứng phó với thiên tai trong thời gian tới theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh không để bị động, bất ngờ trong ứng phó, gây thiệt hại lớn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” để chủ động phòng ngừa, ứng phó và kịp thời khắc phục hậu quả khi xảy ra mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi.
UBND các huyện, thành phố được yêu cầu chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt trượt, ngập lụt, lũ quét... có thể xảy ra khi mưa lớn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khu dân cư; có biện pháp cảnh báo cho người dân và chủ động xây dựng phương án sơ tán, di dời, cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra.
Tổ chức kiểm tra cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí đường giao thông có ngầm tràn, suối chảy qua dễ xảy ra lũ quét bất ngờ khi mưa lớn không để xảy ra tai nạn bất ngờ gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân. Thực hiện nạo vét, khơi thông cống, rãnh, kênh mương, suối và các công trình thoát nước không để xảy ra tình trạng tắt nghẽn dòng chảy khi mưa lớn làm ngập lụt (nhất là các khu dân cư, vùng trũng thấp); rà soát, kiểm tra, chặt hạ cây dọc hai bên đường, khu vực dân cư có nguy cơ ngã, đổ gây mất an toàn cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND các huyện được yêu cầu chỉ đạo rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em trong mùa mưa bão; đồng thời, yêu cầu người dân có ao, hồ trong khuôn viên gia đình hoặc vườn, trại phải thực hiện việc rào chắn, đảm bảo an toàn cho trẻ em...
Trước đó, trận mưa lớn dài gần 2 giờ đồng hồ vào chiều 23/6 khiến nhiều tuyến đường tại TP Đà Lạt bị ngập, nhiều cây ngã đổ. Trong khi đó, tại TP Bảo Lộc, mưa lớn kèm theo lốc xoáy chiều 23/6 khiến nhiều nhà dân tại thôn Tân Bình 1 (xã Lộc Thanh) bị tốc mái.
Ngay khi xảy ra tình trạng ngập úng và cây ngã đổ, UBND TP Đà Lạt đã huy động lực lượng phân luồng giao thông, xử lý cây xanh ngã đổ để đảm bảo an toàn giao thông và nhu cầu đi lại của người dân, du khách.