Lâm Đồng: Đơn vị quản lý rừng "mắt nhắm mắt mở" cho việc phá rừng

(PLVN) - UBND huyện Bảo Lâm có văn bản báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng kết quả kiểm tra xác minh nội dung báo Pháp luật Việt Nam phản ánh về việc đốt rừng, dựng nhà tại tiểu khu 438A, 439 xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng.

Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam có bài viết “Chính quyền ở đâu khi hàng trăm héc ta rừng bị biến thành đất tư” phản ánh về việc hơn 200 héc ta rừng thông tự nhiên chỉ còn lưa thưa vài cụm nhỏ, thay vào đó là những vườn cây cà phê, trà và các loại cây ăn trái khác. Hàng trăm héc ta đất rừng của nhà nước tại tiểu khu 438A, 439 trên địa bàn thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng đang dần biến thành đất của những cá nhân.  

Ngoài ra, bài viết còn phản ánh vào ngày 25/10, Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB’ri đã dán thông báo giải tỏa cây trồng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên diện tích mà UBND huyện đã thu hồi trước đó. Tuy nhiên, ngay sau đó, thông báo này bị gỡ bỏ một cách khó hiểu khiến dư luận băn khoăn.

Rừng thông tự nhiên bị đốt nhưng UBND huyện Bảo Lâm lại cho rằng ông Nguyễn Văn Dũng đốt rừng keo.
Rừng thông tự nhiên bị đốt nhưng UBND huyện Bảo Lâm lại cho rằng ông Nguyễn Văn Dũng đốt rừng keo.

Sau khi bài báo được đăng tải, UBND huyện Bảo Lâm cho biết đã cử lực lượng kiểm tra, xác minh. Theo đó, cơ quan này khẳng định những nội dung báo đăng cơ bản là đúng.

Cụ thể, UBND huyện Bảo Lâm khẳng định người đốt thực bì dưới tán rừng tự nhiên do Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB’ri quản lý là ông Nguyễn Văn Dũng, là bố của ông Nguyễn Đức Dạo, người được giao đất, giao rừng cộng đồng trước đây.  

Trong khi, theo quyết định thu hồi toàn bộ 231 héc ta rừng cộng đồng thì, UBND huyện Bảo Lâm nghiêm cấm mọi tác động lên diện tích rừng tự nhiên nói trên. Nhưng thực tế, ngay thời điểm hiện tại, trong khu vực này, nhà vẫn mọc lên, cây thông vẫn bị đốn hạ một cách vô tội vạ.

Được biết, mặc dù UBND huyện đã có quyết định thu hồi và giao Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB’ri quản lý toàn bộ diện tích nói trên nhưng trong thời gian này, người dân vẫn tiếp tục phát hiện và trình báo cơ quan chức năng khi rừng tự nhiên vẫn liên tục bị các đối tượng xâm hại.

Trong đó, ngày 12/8, kiểm lâm đã bắt được 120 lóng gỗ thông cũng trên diệc tích rừng cộng đồng đã thu hồi. Đến ngày 4/12 cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ 1 máy múc đang tác động vào chính diện tích rừng này.

Thông tự nhiên vẫn bị đốn hạ ngay trong khu vực bị lấn chiếm làm nhà kiên cố.

Thông tự nhiên vẫn bị đốn hạ ngay trong khu vực bị lấn chiếm làm nhà kiên cố.

Ngoài ra, báo cáo cũng thừa nhận, những cây thông bị ken (dùng thuốc diệt cỏ đầu độc) bị chặt phá xảy ra từ rất lâu, trước cả thời điểm thu hồi đất, rừng. Hình ảnh về cây thông bị ken, phá trong bài đăng cũng chứng minh việc các cây thông tự nhiên đã khô mục từ lâu.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi trong diện tích 231 héc ta rừng cộng đồng mà UBND huyện đã thu hồi, hàng trăm cây thông tự nhiên vẫn đang bị đốn hạ. Dưới tán rừng thông chết đứng, vỏ chai thuốc diệt cỏ loại mạnh nằm ngổn ngang. Điều này cho thấy, công tác quản lý rừng của địa phương này có nhiều bất cập thậm chí đang bị buông lỏng. 

Về phản ánh của báo liên quan đến việc Ban Quản lý rừng phòng hộ ĐamB’ri đã dán thông báo giải tỏa cây trồng lấn chiếm rồi gỡ bỏ, trong báo cáo, UBND huyện cho biết do phương án giải tỏa của Ban Quản lý rừng phòng hộ chưa đảm bảo các trình tự, thủ tục pháp lý cần thiết nên đã chỉ đạo đơn vị tạm ngưng để xây dựng lại phương án đảm bảo theo quy định để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin

Đọc thêm