Lâm Đồng quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với hạn chế trong thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư công, hoạt động của doanh nghiệp (DN) tại Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn khi số DN thành lập mới lẫn vốn đăng ký đều giảm.
Số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 14.368. (Ảnh: Trịnh Ninh)
Số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 14.368. (Ảnh: Trịnh Ninh)

Hôm qua (16/10), tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, đại diện Sở KH&ĐT cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế địa phương tiếp tục có sự tăng trưởng với tốc độ 3,35%. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của kinh tế địa phương. Lĩnh vực du lịch, công nghiệp có những bước phát triển; đặc biệt du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định với giá trị sản xuất tăng 8,6%. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục diễn ra sôi động với tốc độ tăng 19,1%; xuất nhập khẩu tăng 12,7%. Về thu ngân sách nhà nước, tính đến 30/9/2024 đạt 9.669,4 tỷ đồng, bằng 75,5% so với dự toán Trung ương giao, bằng 68,4% dự toán địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, bức tranh kinh tế Lâm Đồng vẫn có những gam màu xám như: Kinh tế tuy có sự tăng trưởng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó khu vực công nghiệp xây dựng tăng trưởng âm 0,17%; giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp (đạt 26,9% kế hoạch), nhiều dự án gặp khó về giải phóng mặt bằng, vướng mắc do quy định về quy hoạch khoáng sản. Thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu, trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh mới có 3 dự án đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư 95 tỷ đồng.

Đáng chú ý là hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm có 907 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 5.286 tỷ đồng, giảm 11,2% về số DN và giảm 31% về vốn đăng ký. Có 733 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 29%; 192 DN giải thể, tăng 3,8%. Đến nay, số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 14.368 DN với số vốn đăng ký 174.571 tỷ đồng; có 573 hợp tác xã, tổng số vốn điều lệ đăng ký trên 1.200 tỷ đồng, 5 Liên hiệp Hợp tác xã và 436 Tổ hợp tác.

Sở KH&ĐT cho biết, để cải thiện tình hình thu hút đầu tư và hỗ trợ DN phát triển, các sở, ban, ngành và địa phương cần đẩy nhanh công tác lập quy hoạch xây dựng như quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn... đảm bảo đúng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, để quy hoạch thật sự là động lực phát triển, tháo gỡ những “điểm nghẽn”.

Song song đó cần tập trung hoàn thành các đồ án quy hoạch trọng điểm như: điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2045; điều chỉnh quy hoạch chung khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm...

Với giải ngân đầu tư công, Sở KH&ĐT sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp, đôn đốc, đẩy nhanh việc triển khai các dự án. Bám sát và kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc của các dự án. Đồng thời tiếp tục phối hợp rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân chậm, sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Đọc thêm