Trong đó, thu từ đất, nhà đạt 1.605 tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán; thu xổ số kiến thiết đạt 1.821 tỷ đồng, đạt 95,9% dự toán, tăng 26,4% cùng kỳ.
Điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế, xã hội tỉnh Lâm Đồng là các hoạt động sản xuất thương mại, dịch vụ, vận tải tiếp tục tăng trưởng (trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gần 11%; xuất khẩu tăng 11,4%). Tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đạt 6,8 triệu lượt khách, tăng 12,8%; trong đó, khách quốc tế đạt 396 nghìn lượt, tăng 39,9% so với cùng kỳ.
Tỉnh này cũng đã hoàn thành hồ sơ, đề án và trình Bộ Nội vụ thẩm định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn; quốc phòng, an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, trên địa bàn Lâm Đồng giải ngân vốn đầu tư công tỷ lệ đạt rất thấp (chỉ đạt 23,5% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 7,6%), nhất là các công trình có vốn đầu tư lớn như: đường cao tốc, hồ Ta Hoét, hồ Đông Thanh, hồ Kazam,…; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời tháo gỡ; khối lượng tạm ứng nhiều nhưng khó khăn trong giải ngân và thu hồi tạm ứng.
Nhiều khoản thu của tỉnh Lâm Đồng còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra, như: đến ngày 06/9/2024, thu từ thuế, phí và lệ phí chỉ đạt 4.919 tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán địa phương, giảm 8,5%; thu hải quan chỉ đạt 175 tỷ đồng, bằng 50% dự toán địa phương, giảm 17%.
Ngoài ra, công tác thu hút đầu tư vẫn chưa có chuyển biến tích cực (trong 8 tháng chỉ thu hút 1 dự án). Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký (trong 8 tháng, giảm 9,5% về số doanh nghiệp và 42,8% về vốn đăng ký), doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ (tăng 30,3% so cùng kỳ).