Làm gì để phát triển công nghiệp ô tô?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguyên nhân khiến nền công nghiệp ô tô Việt Nam không thể phát triển đã được nhận diện từ lâu, nhưng thực trạng này đến hiện nay vẫn đang trong giai đoạn… đề xuất giải pháp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tỷ lệ, chất lượng nội địa hóa thấp

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, trong tháng 5/2021, doanh số ô tô trên toàn thị trường đạt 25.585 xe, giảm 15% so với tháng 4 nhưng tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hãng ô tô trong nước Vinfast lần thứ 2 (lần đầu tiên vào tháng 5/2020) nhảy lên đứng đầu bảng xếp hạng các loại xe bán chạy nhất trong tháng với 1.868 xe đến tay khách hàng trong tháng 5.

Đây là tín hiệu vui cho công nghiệp ô tô Việt Nam vốn đang chưa biết xoay xở như thế nào để có thể đạt được những mục tiêu đã đặt ra. Bởi trong xu hướng vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì công nghiệp ô tô phải phát triển mạnh hơn, phải tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô mới tận dụng được sự ủng hộ từ trong nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện mới chỉ có 18 nhà cung cấp phụ tùng ô tô cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 tham gia vào chuỗi sản xuất của các nhà sản xuất ô tô có lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự; Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn và đặc biệt, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Chưa kể việc các nhà cung cấp Việt Nam chỉ có thể cung cấp được những chi tiết đơn giản, không đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật và sử dụng nhiều nhân công, có giá trị rất thấp trong chi phí sản xuất một chiếc xe như ghế, ắc quy, nhựa cỡ lớn.

Đại diện Toyota ở Việt Nam từng cho biết, hãng xe này rất mong muốn tìm kiếm nhiều nhà cung ứng nội địa nhưng thất bại trong việc này. Ford Việt Nam cũng đã có kế hoạch đào tạo nhiều nhà cung ứng Việt Nam cung cấp linh kiện cho việc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam (đồng thời cung ứng cho chuỗi sản xuất Ford toàn cầu) nhưng chưa thành.

Đó cũng là thực trạng mà ông Tuấn Anh đề cập đến khi khẳng định, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp nên giá trị của Việt Nam trong lắp ráp ô tô vẫn còn quá khiêm tốn trong doanh thu của một chiếc xe ô tô được sản xuất tại Việt Nam.

Dung lượng thị trường thấp

Vấn đề vẫn thường được đề cập mỗi khi nói đến sự phát triển của ngành ô tô đó là dung lượng thị trường vẫn còn nhỏ, với trung bình 16 xe/1.000 dân. Do đó, công xuất sản xuất của các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam khá thấp so với công suất thiết kế (thường chỉ đạt 50%). Cũng chính từ nguyên nhân công suất sản xuất thấp mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa thể “lớn lên” và số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất còn rất nhỏ.

Theo các thống kê, trong các thị trường ở Đông Nam Á, Malaysia là nước có tỷ lệ sở hữu xe trên toàn dân lớn nhất - 341 xe/1.000 dân, Thái Lan đứng thứ 2 với 196 xe/1.000 dân và Indonesia đứng thứ 3 - 55 xe/1.000 dân. Đây được xem là con số lý tưởng để có thể phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp ô tô trong nước tại các quốc gia trên.

Do đó, theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), muốn phát triển được công nghiệp ô tô thì việc đầu tiên cần làm là giải quyết điểm nghẽn dung lượng thị trường, bên cạnh việc chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu ô tô của Việt Nam năm 2025 có thể tăng lên khoảng 800-900 nghìn xe (năm 2020, số lượng tiêu thụ khoảng hơn 400.000 xe) và năm 2030 vào khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe. Đây là những con số cực kỳ hấp dẫn, khiến cho thị trường Việt Nam trở thành “điểm ngắm bắn” của nhiều hãng xe trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi trong thời gian tới thì công nghiệp ô tô sẽ chẳng thể hưởng lợi gì trong khi dung lượng thị trường thay đổi như dự báo.

Đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, trước mắt, để thúc đẩy công nghiệp ô tô thì việc quan trọng là duy trì và đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thông qua việc tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với các dòng xe chủ lực, có dung lượng thị trường tốt và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực; Đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, khi nào mới làm được những việc này thì vẫn cần phải chờ.

“Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự; Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Đặc biệt, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực”, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).

Đọc thêm