Làm gì để phát triển du lịch lịch sử?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù đang dịch bệnh, thời điểm gần ngày Lễ Quốc khánh Việt Nam 2/9, nhu cầu tìm kiếm về các sản phẩm du lịch lịch sử vẫn tăng cao. Tuy nhiên, tại các địa phương hiện nay, sản phẩm này còn khá đơn điệu dù kho tàng, tư liệu phát triển vốn rất dồi dào.
Các nền tảng số sẽ đưa du khách trải nghiệm không gian tại di tích ngay tại nhà.
Các nền tảng số sẽ đưa du khách trải nghiệm không gian tại di tích ngay tại nhà.

Sáng kiến để “sống chung” với dịch

Lịch sử vốn là kho giá trị tiềm tàng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Trong mùa dịch, du lịch lịch sử dường như cũng khó khăn hơn khi các điểm tham quan, bảo tàng, di tích phải đóng cửa. Vì vậy, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội,… sẽ là thị trường tiềm năng để phát triển hoạt động du lịch lịch sử.

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, những nội dung lịch sử được tái hiện, kể lại thông qua các Fanpage có lượng người theo dõi lớn, chẳng hạn Di tích Nhà tù Hỏa Lò hay Huế Cổ Phong,… đang mang lại hiệu quả cho việc quảng bá hình ảnh di tích. Với cách truyền tải mới mẻ, nội dung hấp dẫn từ những bộ ảnh được hiện đại hóa hay những video ngắn tóm lược dòng lịch sử đều khiến cộng đồng cảm thấy hứng thú.

Tại Hà Nội, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, hiện nay Trung tâm đang xây dựng thêm một Fanpage chuyên giới thiệu về không gian văn hóa Quốc Tử Giám xưa để giới thiệu đến công chúng về Trường Quốc Tử Giám xưa, dự kiến ra mắt vào tháng 9 tới với kỳ vọng được nhiều người đón nhận. Di tích Nhà tù Hỏa Lò mới đây cũng vừa cho ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify, giúp công chúng tìm hiểu lịch sử một cách dễ dàng, thú vị và mới mẻ hơn.

Đối với các tour du lịch trực tuyến, dù chỉ truyền tải thông qua màn hình nhưng các sản phẩm cũng phải được đầu tư hấp dẫn. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội là đơn vị có nhiều sản phẩm du lịch trực tuyến được đánh giá cao về chất lượng và có nguồn khách ổn định. Điểm nổi bật của sản phẩm triển lãm trực tuyến được xây dựng là cách thức trưng bày tạo được dấu ấn nhất định nhờ sự sáng tạo trong thiết kế, bố cục hình ảnh và thông tin hài hoà, mạch dẫn dắt theo dòng lịch sử, với nhiều tư liệu đa dạng. Sau mỗi sự kiện kết thúc trưng bày, các sản phẩm đều được đưa lên website để du khách có thể quay lại khám phá bất cứ lúc nào.

Qua các hoạt động trên có thể thấy, với nguồn tư liệu lịch sử dồi dào và hình thức xây dựng tương đối đơn giản, tận dụng được không gian mạng xã hội, các địa phương có thể áp dụng được mô hình này đối với những địa điểm lịch sử của vùng. Những sáng kiến này nhằm góp phần giải tỏa tâm lý “buồn chân” khi phải ở nhà trong ngày Lễ Quốc khánh 2/9. Bên cạnh đó, “giữ chân” được các du khách trên nền tảng trực tuyến cũng là một phương pháp truyền thông hữu hiệu khi du lịch hoạt động trở lại.

Đừng coi chỉ là giải pháp tình thế

Đáng nói, trên thực tế, du lịch online tại Việt Nam mới chỉ manh nha những năm gần đây, đặc biệt được quan tâm chú trọng khi đại dịch ập đến. Ngành du lịch nói chung và du lịch lịch sử nói riêng đều đang “loay hoay” với chuyển dịch số. Hà Nội là một trong số những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng hoạt động du lịch trực tuyến, mang trải nghiệm lịch sử đến với khách du lịch tại một số di tích như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám,…

Du lịch lịch sử trực tuyến thu hút nhiều người quan tâm.

Du lịch lịch sử trực tuyến thu hút nhiều người quan tâm.

Dù sản phẩm du lịch chất lượng nhưng lại có phần lặp lại, thiếu mới mẻ, nhiều du khách nhanh chóng nhàm chán. Những hoạt động trải nghiệm online còn khá đơn giản, phổ biến nhất vẫn là các triểm lãm, trưng bày online, khám phá không gian di tích qua hình ảnh 3D và nghe thuyết minh. Có thể thấy khi cách ly ở nhà quá lâu, khách du lịch mong muốn nhiều hơn, ngay cả với hoạt động trực tuyến.

Ngoài một số sáng kiến manh mún, thực trạng chung của du lịch lịch sử ở nước ta hiện nay vẫn là thấy được “mỏ tiền” nhưng chưa thể khai thác hết giá trị. Dù đã có thêm các sản phẩm trực tuyến nhưng hình thức này mới chỉ đáp ứng một phần trải nghiệm nghe và nhìn, chưa tạo được nhiều hoạt động khám phá nổi bật khuyến khích du khách tham gia lâu dài và sẵn sàng chi tiền nhiều hơn.

Đơn cử, Cao Bằng là vùng đất có nhiều tài nguyên lịch sử giá trị, gắn với nhiều thời kỳ từ đồ đá sơ khai đến các cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, tiêu biểu có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Nhiều năm qua, hoạt động du lịch lịch sử tại đây vẫn chỉ là khám phá, tham quan di tích. Để phát triển thêm hoạt động du lịch, Sở Du lịch tỉnh đã tăng cường các hoạt động khảo cổ học nhưng các sản phẩm trải nghiệm mới còn nghèo nàn.

Anh Lê Việt Anh, một Việt kiều sống tại Đức thường ghé thăm các điểm du lịch lịch sử của Hà Nội mỗi khi trở về quê hương. Theo anh, hệ thống di tích lịch sử, đình - đền - chùa của Hà Nội là tài sản quý để thu hút khách du lịch, tương tự như hệ thống nhà thờ cổ tại các nước châu Âu. Tuy nhiên, phần lớn điểm tham quan, mua sắm của Hà Nội không có nhiều đổi mới. “Đó là điều đáng tiếc. Lần nào về thăm, tôi vẫn thấy cách thức giới thiệu cho khách chưa có đổi mới, ít hoạt động trải nghiệm, ít sản phẩm quà tặng, lưu niệm đặc trưng riêng nên nếu là khách du lịch thì họ chỉ tham quan 1-2 lần, khó hấp dẫn họ quay trở lại nhiều lần khác”, anh Việt Anh bày tỏ.

Có thể thấy, du lịch lịch sử qua hình thức trực tuyến cũng có thế mạnh riêng của mình nếu có cách làm hay, sáng tạo. Thế nên, các doanh nghiệp du lịch, các địa phương không nên coi đây chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch.